Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019: Không khí mới, tâm thế mới

Với chủ đề 'Vai trò của cộng đồng DN trong phát triển bền vững', Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 chính thức khai mạc sáng nay (26/6/2019). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham dự và có phát biểu quan trọng.

Đồng Chủ tịch VBF 2019, bà Virginia B.Foote và TS. Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí về nội dung chính của VBF giữa kỳ 2019

Đồng Chủ tịch VBF 2019, bà Virginia B.Foote và TS. Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí về nội dung chính của VBF giữa kỳ 2019

Mọi kiến nghị đều được hồi đáp

VBF giữa kỳ 2019 này có một tâm thế khác. Theo đó, giờ đây tuy vướng mắc vẫn còn, nhưng những ý kiến của DN không phải là phàn nàn kêu ca mà mang tính hiến kế, đưa ra giải pháp để thúc đẩy sự phát triển… Vai trò của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ không chỉ là giải quyết để gỡ nút thắt để cởi trói để giải phóng mà là người kiến tạo, tạo hậu thuẫn cho DN phát triển.

Đơn cử, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao sự hỗ trợ và các sáng kiến tích cực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh, cũng như lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng DN. Các DN châu Âu cũng bày tỏ vui mừng vì Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Theo báo cáo của các hiệp hội và các nhóm công tác của diễn đàn, mọi kiến nghị cộng đồng DN nêu lên từ diễn đàn trước đã được các cơ quan, bộ ngành Việt Nam hồi đáp. 60% các vấn đề kiến nghị nêu lên đã được giải quyết tích cực, và các ý kiến còn lại đang được giải quyết vì có những kiến nghị còn phải chờ luật được sửa, ví dụ như kiến nghị tăng thêm giờ làm thêm… phải chờ Luật Lao động được sửa đổi.

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô ổn định cho dù bối cảnh thế giới chiến tranh thương mại đang tiếp tục leo thang, cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số đang phát triển mạnh, kinh tế thế giới từ cuối năm ngoái đến nay có nhiều biến động mạnh.

Và “tham nhũng được đẩy lùi, chi phí không chính thức giảm đi, tham nhũng vặt giảm nhiều, cải cách hành chính có bước tiến mới, đặc biệt là từ cuối năm ngoái Chính phủ quyết liệt cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc - đồng Chủ tịch VBF cho biết. Các hiệp hội cũng cho biết các DN lạc quan về triển vọng kinh doanh và có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư quan trọng hấp dấn dòng vốn FDI.

Nói về chủ đề của Diễn đàn giữa kỳ năm 2019, bà Virginia B.Foote – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham), đồng Chủ tịch VBF nhấn mạnh: “Bền vững không phải là gánh nặng mà là cơ hội cho nền kinh tế phát triển, cho DN, DN tư nhân, DNNVV phát triển và cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam”. Khẳng định, phát triển bền vững là hướng đi của các quốc gia và là định hướng quan trọng của Việt Nam, bởi “Việt Nam đang là 1 trong 5 nước có rác thải nhựa đẩy ra đại dương lớn nhất thế giới”. Bài trình bày của bà Virginia B.Foote tại diễn đàn đã tập trung vào chủ đề xây dựng nền kinh tế bền vững và thúc đẩy sự phát triển.

Đẩy mạnh hợp tác công-tư

Một trong những chủ đề được quan tâm tại diễn đàn lần này là hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển bền vững. Đây được xem là “chìa khóa phát triển” hiện nay. Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam cần ít nhất 25 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn, ODA gần như không có thì PPP được xem là một giải pháp hoàn hảo.

Tuy nhiên do khuôn khổ pháp luật chưa đủ minh bạch nên đầu tư PPP nhiều rủi ro, trục trặc. Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ nhanh chóng thông qua Luật PPP để chia sẻ rủi ro...

Được biết, VBF là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành của Việt Nam với cộng đồng DN nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Tại VBF giữa kỳ 2019 này, DN tiếp tục có những kiến nghị với Chính phủ cần giảm gánh nặng hậu đăng ký kinh doanh cho DN. Nên tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, đặc biệt là pháp luật, vấn đề quy hoạch đất đai, tài nguyên, môi trường. Cộng đồng các DN cho rằng, hiện các thủ tục trong lĩnh vực này rất chồng chéo, khó khăn.

Bên cạnh đó, thủ tục xuất nhập khẩu, thuế cần tiếp tục thay đổi vì thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam phức tạp hơn so với các nước trong khu vực… Gánh nặng về kiểm tra chuyên ngành vẫn cao và những gánh nặng hành chính này đang đè nặng lên vai các DN siêu nhỏ, DNNVV... Bên cạnh đó cải cách các thiết chế pháp lý khá chậm, chưa thực sự đảm bảo an toàn cho DN.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp thuận lợi hơn cho DN, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của DN, cần tăng cường thiết chế pháp lý để đảm bảo an toàn cho DN. DN cũng quan tâm đến sự ổn định của môi trường kinh doanh... DN thành công quốc gia thành công và ngược lại”, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nhiều kiến nghị được nêu lên ở diễn đàn lần này, nhưng theo bà Virginia B.Foote, bối cảnh mới, điều kiện mới sẽ nảy sinh vấn đề mới, vì thế cứ vấn đề cũ được giải quyết thì cũng vẫn sẽ có vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi phải giải quyết. Dù cải cách ở Việt Nam đã được thực hiện nhiều năm, vẫn còn nhiều vấn đề đang phải giải quyết thì cũng có những vấn đề mới. “Không có một Chính phủ nào hoàn mỹ, không một ngành nào, một DN nào hoàn mỹ nên luôn phải có vấn đề cần giải quyết…”, bà Virginia B.Foote phát biểu.

Tri Nhân

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/dien-dan-doanh-nghiep-viet-nam-giua-ky-2019-khong-khi-moi-tam-the-moi-89281.html