Diễn đàn Kết nối nông sản 970: Đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản để thúc đẩy xuất khẩu

Ngày 7-12, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các điểm cầu chính của diễn đàn gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam...

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật) cho biết: Tính đến ngày 5-12, đã có 2.426 mã số sản phẩm xuất khẩu của khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép theo Lệnh 248, Lệnh 249. So với các nước trong khu vực thì đây là con số tương đối lớn.

 Quang cảnh Diễn đàn Kết nối nông sản 970 ngày 7-12 tại Báo Nông nghiệp Việt Nam, điểm cầu Hà Nội.

Quang cảnh Diễn đàn Kết nối nông sản 970 ngày 7-12 tại Báo Nông nghiệp Việt Nam, điểm cầu Hà Nội.

Theo ông Ngô Xuân Nam, việc thực hiện hai lệnh trên vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, phần mềm https://cifer.singlewindow.cn vừa thực hiện vừa hoàn thiện liên tục nâng cấp. Việc đăng ký online trên hệ thống đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ và ngoại ngữ tiếng Trung và tiếng Anh. Một số doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy trình, quy định đăng ký doanh nghiệp theo hình thức online. Thao tác khai báo thông tin trên hệ thống sai lệch tài khoản tự mở không thông qua cơ quan có thẩm quyền duyệt định danh nên bị ảnh hưởng khi làm thủ tục thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP.

Đối với các doanh nghiệp đăng ký nhanh năm 2021, cần nhanh chóng thực hiện việc bổ sung các thông tin đăng ký trên hệ thống trước ngày 30-6-2023. Doanh nghiệp cần chủ động liên hệ cơ quan thẩm quyền đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của Hải quan Trung Quốc.

Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cần xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn thực phẩm; phải tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc về an toàn thực phẩm. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nhà xưởng, thiết lập hệ thống ghi chép hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đáp ứng kiểm tra trước và sau khi đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc.

Về phía chính quyền địa phương, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, cần tăng cường quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến; tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình đăng ký mã số doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đảm bảo đáp ứng các quy định về quản lý an toàn thực phẩm của thị trường này. Đồng thời, tăng cường trao đổi các vấn đề kỹ thuật tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện việc đăng ký hồ sơ, đăng ký mã số doanh nghiệp đáp ứng quy định của Lệnh 248 và Lệnh 249.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dien-dan-ket-noi-nong-san-970-dam-bao-an-toan-thuc-pham-nong-lam-thuy-san-de-thuc-day-xuat-khau-713172