Diễn đàn Khu vực ASEAN thúc đẩy văn hóa tham vấn, đối thoại và hợp tác bao trùm

Chiều 117, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 32 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Malaysia với sự tham dự của đại diện 27 thành viên ARF. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Ảnh: Quang Hòa

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Ảnh: Quang Hòa

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng chia sẻ quan ngại về những tác động sâu rộng từ gia tăng cạnh tranh địa chính trị và bất ổn chiến lược cùng các thách thức an ninh xuyên biên giới.

Các nước đều khẳng định vai trò quan trọng của ARF trong thúc đẩy đối thoại và tham vấn, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa và hợp tác giải quyết các vấn đề chính trị, an ninh vì lợi ích chung của khu vực.

Ghi nhận tiến triển thực hiện Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2020-2025, Hội nghị đánh giá cao nỗ lực nỗ lực của các thành viên ARF trong triển khai các dòng hành động, nhất trí tiến hành tổng kết cuối kỳ nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt.

Các nước nhất trí Kế hoạch Hành động của ARF sau năm 2025 cần xác định mục tiêu cụ thể và các biện pháp khả thi, bảo đảm hợp tác thiết thực và hiệu quả.

Hội nghị cũng hoan nghênh các nỗ lực đổi mới và tăng cường sức sống cho ARF, nhất trí cần cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn của ARF để nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt của ARF trong ứng phó các vấn đề cùng quan tâm, cũng như góp phần giảm thiểu các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực.

Các nước đã trao đổi sâu rộng về nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thông qua Danh mục gần 30 hoạt động của ARF trong năm 2025-2026, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh hàng hải, khủng bố, quản trị an ninh mạng, an ninh phà, phòng chống bạo lực cực đoan, lừa đảo trực tuyến, ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng chủ trì Nhóm Giữa kỳ ARF về cứu trợ thiên tai cùng Bangladesh và Sri Lanka trong năm 2025-2026.

Về các vấn đề quốc tế, khu vực, các nước đã thảo luận, chia sẻ thẳng thắn quan điểm về tình hình Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine, Gaza…, khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN, đề cao thượng tôn pháp luật và đối thoại hòa bình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Toàn cảnh Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)

Toàn cảnh Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ đánh giá chung của các nước về vai trò của ARF trong hơn 30 năm qua là cơ chế đối thoại quan trọng, thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp, ARF cần đổi mới để tiếp tục phát huy vai trò và thích ứng chủ động, linh hoạt với các biến động. Hòa bình và an ninh không phải là điều mặc nhiên sẵn có mà cần được duy trì bằng nỗ lực và cam kết chung, thông qua đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lại lập trường của ASEAN về Biển Đông, Myanmar, Trung Đông và Bán đảo Triều Tiên.

Về Biển Đông, Việt Nam kiên định lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh các hoạt động trên biển; đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường nguyên tắc và nỗ lực của ASEAN trong duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh cam kết nỗ lực sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đồng thời thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

*Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Hàn Quốc lần thứ 13 (FMM MKC 13) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 58 và các hội nghị liên quan.

Trong phát biểu và điều hành hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác MKC trở thành hình mẫu hợp tác tiểu vùng dựa trên tinh thần “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển”.

Thứ nhất, ưu tiên cao nhất là nối lại Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc trong năm 2025 sau 5 năm gián đoạn nhằm khẳng định ở cấp cao nhất cam kết xây dựng cộng đồng Mekong - Hàn Quốc tự cường, thịnh vượng và lấy người dân làm trung tâm.

Thứ hai, trong giai đoạn phát triển mới, MKC tập trung lấy đổi mới sáng tạo là động lực then chốt, đặt con người ở trung tâm phát triển, bảo đảm an ninh nước - lương thực - năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa...

Thứ ba, Việt Nam dự kiến tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp MKC lần thứ 13 với chủ đề “Số hóa và Đổi mới sáng tạo: Chìa khóa thúc đẩy doanh nghiệp Mekong - Hàn Quốc chuyển đổi và hợp tác” vào tháng 92025.

Các nước thành viên đánh giá cao vai trò đồng chủ trì của Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thúc đẩy các định hướng lớn để xây dựng Kế hoạch hành động MKC giai đoạn 2026 - 2030. Kết thúc hội nghị, Việt Nam và Hàn Quốc ra Tuyên bố đồng Chủ tịch.

THANH BÌNH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/dien-dan-khu-vuc-asean-thuc-day-van-hoa-tham-van-doi-thoai-va-hop-tac-bao-trum-151412.html