Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với Chủ đề 'Phục hồi và phát triển bền vững'. Đồng chí Vương Đình Huệ- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chủ trì diễn đàn.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Phú Thọ.

(baophutho.vn) - Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với Chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”. Đồng chí Vương Đình Huệ- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chủ trì diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng- Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ… và hơn 500 đại biểu đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương; các tổ chức kinh tế, đại biểu quốc tế và các tỉnh, thành trong cả nước.

Dự tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh và một số cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 liên tục diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động nặng nề, toàn diện đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn… Năm 2021, Việt Nam có nhiều đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép. Sáu tháng đầu năm mặc dù duy trì mức tăng trưởng 5,64%, song do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ tư với biến chủng Delta, tính chung chín tháng chỉ tăng 1,42%. Dù dự kiến cả năm, kinh tế- xã hội có mức tăng trưởng dương khá tốt nhưng vẫn không đạt mục tiêu đặt ra.Với kịch bản dự báo khả quan nhất, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về kiểm soát gia tăng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội bị tác động tiêu cực…

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn chưa đủ lớn. Các chính sách đã ban hành chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp, chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực đủ mạnh để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

Theo ý kiến của các chuyên gia, Nhà nước cần chú trọng tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số gắn với cải cách thể chế nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; cân bằng chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế. Đầu tư Nhà nước phải giữ vai trò tiên phong để thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân; có các gói kích thích kinh tế tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật, giải quyết việc làm cho người lao động... Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện giải pháp đồng bộ, quan tâm củng cố hệ thống lĩnh vực y tế; tăng cường bao phủ chiến lược vắc xin, nâng cao sức khỏe cho người dân; cân nhắc để giải quyết những thách thức trước mắt; tạo điều kiện phát triển KT-XH trong những năm tới.

Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài chính, tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch vừa hỗ trợ mục tiêu phục hồi phát triển KT-XH nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, theo những quan điểm, định hướng phát triển và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Với các nội dung toàn diện cả về kinh tế và xã hội được thảo luận kỹ lưỡng, các đề xuất được đưa ra tại diễn đàn sẽ giúp Quốc hội có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn để xem xét, quyết định các chính sách hỗ trợ, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới trong thời gian ngắn nhất; đồng thời lan tỏa, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xv/202112/dien-dan-kinh-te-viet-nam-2021-phuc-hoi-va-phat-trien-ben-vung-181425