DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2023: NHÀ NƯỚC, CHUYÊN GIA, DOANH NGHIỆP CÙNG TÌM GIẢI PHÁP GỠ KHÓ CHO NỀN KINH TẾ, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN
Sáng 19/9, tại phiên thảo luận chuyên đề 1 về 'Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó' trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp đã có phân tích một số vấn đề nổi lên của nền kinh tế, chỉ rõ những vấn đề doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó đề xuất một số giải pháp. Khơi thông nguồn lực và củng cố niềm tin của doanh nghiệp là những điều các chuyên gia nhấn mạnh.
Nhận diện những “nghịch lý” của nền kinh tế
Trình bày tham luận về chủ đề “Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển", PGS.TS.Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trên bình diện tổng quát, Việt Nam cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử, thời đại khi chuyển từ không gian vật lý chuyển sang không gian “số”; từ thời đại “lao động chân tay – kinh nghiệm” sang thời đại “lao động trí tuệ – sáng tạo”; cấu trúc phát triển chuyển từ thời đại kinh tế vật thể – thủ công chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao và giới hạn địa phương mở ra toàn cầu. PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, quá trình thay đổi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản, tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau. Do vậy, việc giải quyết hệ vấn đề phát triển đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới về nguyên tắc.
Ở tầm nhìn trung và dài hạn, PGS.TS.Trần Đình Thiên cho rằng, bối cảnh thế giới được khắc họa bằng những đường nét ít lạc quan. Dự báo của Ngân hàng Thế giới về “một thập niên mất mát” trong trung hạn, đến 2030 và “xu hướng đối mặt với các con gió nghịch” trong ngắn hạn/cho năm 2023-2024 chứa đựng cảnh báo về xu thế khó khăn trội bật kéo dài của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Điều này có nghĩa những giải pháp vượt qua không dễ dàng cho cộng đồng thế giới, mỗi quốc gia và doanh nghiệp, PGS.TS.Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Trong bối cảnh phát triển chung này, PGS.TS.Trần Đình Thiên nhận thấy, Việt Nam có nhiều nét khác biệt. Điểm đáng chú ý là sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng tích cực, chứng tỏ năng lực trụ hạng, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam, xứng đáng với những đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, theo PGS.TS.Trần Đình Thiên có hai vấn đề lớn đặt ra. Một là, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao. Hai là, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện có một số “nghịch lý” tăng trưởng cao – lạm phát thấp. Nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm tăng trưởng mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới.
PGS.TS.Trần Đình Thiên cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, “sống dai” nhưng “chậm lớn”, khó trưởng thành. Đây cũng là một nghịch lý cần được nhìn nhận. Mặt khác, số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy “tuổi thọ” của doanh nghiệp không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được bù đắp kịp thời.
Một nghịch lý khác được PGS.TS.Trần Đình Thiên đưa ra là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm khi chỉ đạt 39,6% kế hoạch. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.
Cơ quan nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp cùng đồng hành để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng
Trên cơ sở các lý thuyết kinh tế và thực tiễn hiện nay, PGS.TS.Trần Đình Thiên cho rằng có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định: Vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. PGS.TS.Trần Đình Thiên gợi mở cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường; bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống gồm thông suốt về hạ tầng - thông thoáng về cơ chế - thông minh trong vận hành.
Trên cơ sở những định hướng chung này, PGS.TS.Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể cần quan tâm thực hiện gồm: định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường “nhất nguyên”, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực – ngoại lực” của Đảng; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”, “không xin – cho”, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực; thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt là thị trường đất đai đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Tuy nhiên, trước nhận định của PGS.TS.Trần Đình Thiên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam “chậm lớn”, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững. Tôn vinh quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn sáng tạo để phát triển và có niềm tin vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh “đổ thừa” do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nêu rõ các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó. Do đó, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đưa ra đề xuất về chính sách thuế tài chính, hỗ trợ lãi vay cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn. Đề xuất dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.
Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan và cửa hàng miễn thuế dưới phố, cho phép áp dụng chính sách “duo price” đối với hàng hóa miễn thuế. Đồng thời, đề nghị các cơ quan sớm ban hành chính sách để triển khai trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Khôi phục niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào thể chế, môi trường kinh doanh
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng cần gỡ nút thắt, nhất là gỡ các nút thắt để phát triển các thị trường như thị trường tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác các Hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên.
Cùng với năng lực nội sinh và động lực phát triển, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cần phát huy sức mạnh ngoại sinh. Theo đó, tranh thủ cơ hội để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực FDI, tận dụng cơ hội từ bối cảnh của thế giới khi đang có sự thay đổi trật tự chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển về dòng vốn và công nghệ và xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang tạo cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam. Do đó, cần kịp thời có chính sách để nắm bắt được các dòng vốn FDI, tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa. Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, cần có các chính sách để chính các doanh nghiệp trong nước phát triển, khắc phục những "nghịch lý" mà PGS.TS Trần Đình Thiên đã nêu.
Nhấn mạnh niềm tin là động lực để doanh nghiệp đi lên khi mà doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư hay đầu tư mới, còn những người làm chính sách cũng có những sự e dè, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh cần xây dựng niềm tin chiến lược đối với môi trường kinh doanh, vào thể chế và chính sách là điều đặc biệt quan tâm.
Trong khi đó, GS.TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gõi hỗ trợ. Theo GS.TS Tô Trung Thành, để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa thì mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80065