Diễn đàn 'Làm thế nào để công tác cứu trợ được hiệu quả, thiết thực?': Chấp hành nghiêm túc pháp luật
Những năm gần đây, các qui định của pháp luật về công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được quy định ngày càng hoàn thiện
Trong mỗi người Việt Nam luôn có tinh thần "tương thân, tương ái", cùng chung tay giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi đồng bào vùng, miền, địa phương nào đó gặp hoạn nạn.
Cần điều phối khoa học
Với quan niệm "một miếng khi đói, bằng một gói khi no", đồng bào từ khắp mọi miền đất nước sẵn sàng đóng góp mọi thứ từ tiền của, công sức, đến vật chất cụ thể nhằm chia sẻ những khó khăn cho đồng bào những nơi đang gặp hoạn nạn. Thực tế mấy ngày vừa qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã thấy rất rõ điều này.
Tuy nhiên, một số nhà hảo tâm có tâm lý lo sự đóng góp của mình chậm đến tay người cần thụ hưởng nên tổ chức đoàn đi cứu trợ tự phát để trao quà trực tiếp cho đồng bào.
Việc cứu trợ, đặc biệt là đối với những vùng thiên tai thảm họa rất cần có sự điều phối khoa học. Từng địa bàn, từng khu vực, từng hộ gia đình đều có nhu cầu khác nhau mà chỉ có cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại chỗ mới nắm rõ.
Mặt khác, từ khi MTTQ Việt Nam kêu gọi, vận động cho đến khi tập kết được tiền, hàng cũng cần có một thời gian nhất định, tùy theo mức độ khẩn trương và tinh thần đóng góp của người dân. Cho nên, đôi lúc có người bảo: "Tôi vừa đóng góp 2 tấn gạo, hoặc 500 thùng mì tôm mà sao đã mấy hôm rồi chưa chuyển đển tay đồng bào bị thiệt hại?". Chậm chính là vì lý do này.
Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội lấy mục tiêu phục vụ Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất của mình, đặc biệt nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Vì vậy mà không bao giờ để Nhân dân bị đói, bị rét, hoặc gặp khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, việc huy động phương tiện, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm đến ngay vùng có thiên tai, bão, lũ trong điều kiện bị chia cắt hoặc thời tiết bất lợi rất cần có thời gian.
Các quy định của pháp luật ngày càng hoàn thiện
Những năm gần đây, các quy định của pháp luật về công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ngày càng hoàn thiện.
Điển hình như Quyết định số 1764/QĐ-MTTW-BVĐ, ngày 3-1-2023 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động Trung ương quy định rõ việc tổ chức vận động và quyên góp. Theo đó, khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhân dân thì tùy mức độ, phạm vi thiệt hại, Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm đề xuất Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi và phát động ủng hộ quyên góp.
Trường hợp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không ra lời kêu gọi nhưng có các tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ, đóng góp thì Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng (hiện vật) cứu trợ.
Ban Vận động cứu trợ Trung ương thường xuyên giữ mối liên hệ với UBND và Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh để nắm tình hình thiệt hại; kết quả vận động, phân bổ, sử dụng tiền, hàng hóa (hiện vật) và công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả tại địa phương.
Định kỳ hoặc đột xuất, Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiến hành hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị tiếp nhận, phân phối tiền, hàng hóa (hiện vật) cứu trợ; tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác vận động, cứu trợ ở Trung ương để đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng báo cáo gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.
Với những phân tích trên, tôi tha thiết mong là các tổ chức, cá nhân có hảo tâm muốn vận động xã hội và tổ chức các đoàn đi cứu trợ hãy chấp hành nghiêm túc pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt hiện nay đang là cao điểm vận động, cứu trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng do cơn bão số 3 và mưa, lũ gây ra.
Đồng thời, hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Vận động cứu trợ Trung ương và cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các địa phương.
Có nên tự tổ chức đoàn đi cứu trợ?
Việc các đoàn cứu trợ tự phát đi trao quà hỗ trợ cho đồng bào đang gặp khó khăn có ưu điểm duy nhất là những nhà hảo tâm được "mục sở thị" những khó khăn, những thiếu thốn của nơi thảm họa đi qua và những đóng góp của mình với những người, những địa phương đang có nhu cầu.
Nhưng bất cập thì rất nhiều.
Trước hết, do không thông thạo địa bàn, không nắm trước được địa phương nơi đoàn cứu trợ đến tặng quà giao thông thế nào, đi lại ra sao, bằng phương tiện gì? Cũng không nắm ai là người thật sự có nhu cầu cần được hỗ trợ, hỗ trợ những vật phẩm hay tiền bạc như thế nào?...
Đặc biệt vấn đề an toàn trong quá trình đi lại, tổ chức phân phối hàng hóa cứu trợ. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn nghe tại nạn xảy đến cho một vài thành viên các đoàn đi cứu trợ. Nỗi đau của đồng bào bị thiệt hại do thiên tai chưa nguôi thì lại phải gánh thêm nỗi đau của sự mất mát ngoài mong muốn của những đoàn cứu trợ tự phát.
Bên cạnh đó, do không thể nắm hết được hoàn cảnh, điều kiện, địa bàn cư trú của đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ nên thường các đoàn cứu trợ tự phát sẽ trao tặng những phần quà cho những hộ gia đình thuận tiện đi lại. Các trường hợp nằm sâu bên trong hoặc trên rẻo cao, đoàn cứu trợ tự phát không thể đến được, thì bị thiệt thòi.