Diễn đàn luật gia với doanh nghiệp: Cần sớm tháo gỡ những bất cập trong hành lang pháp lý
Tham gia diễn đàn luật gia với doanh nghiệp, các khách mời là những luật gia, luật sư và đại diện các doanh nghiệp đều bày tỏ tầm quan trọng của pháp luật, hành lang pháp lý đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật với doanh nghiệp
Ngày 12/9 tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Hội Luật gia Việt Nam, báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin tổ chức diễn đàn: “Pháp luật Việt Nam và Doanh nghiệp trong xu thế hội nhập toàn cầu”.
Tại diễn đàn, các khách mời tập trung đánh giá về việc thực thi pháp luật Việt Nam trong các quan hệ kinh tế, thương mại và việc thành lập, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp tự tin khi tham gia hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ: “Trong những năm qua, việc giải quyết đúng mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế và việc thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Diễn đàn “Pháp luật Việt Nam và Doanh nghiệp trong xu thế hội nhập toàn cầu”, được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi về những vấn đề đang đặt ra tại Việt Nam liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách pháp luật đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn, bất cập thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đề xuất những giải pháp thiết thực cho việc tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng thực thi chính sách pháp luật cho doanh nghiệp”.
“Trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn chính sách, phản biện và tham gia thẩm định các văn bản Quy phạm pháp luật, giám sát thi hành pháp luật và giải quyết tranh chấp pháp lý theo tinh thần Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ”, GS.TS Lê Minh Tâm khẳng định.
Phát biểu tại diễn đàn, Luật gia Trần Minh Sơn cho biết, trước đây khi lần đầu tiên xây dựng đề án về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Các nội dung đó cũng không được Chính phủ đồng thuận.
Tuy nhiên qua quá trình thuyết phục, ngày 28/5/2008, lần đầu tiên tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66 về việc tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
“Sau hơn 10 năm nghị định được đưa vào thực tiễn, bộ Tư pháp đánh giá lại vào năm 2018 cho thấy, hầu như các địa phương, bộ ban ngành đồng tình và triển khai tốt chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ví dụ như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, một số địa phương do nguồn lực bị hạn chế nên chưa đạt hiệu quả cao”, luật sư Sơn phát biểu.
Ngoài ra tại diễn đàn còn có 2 bài tham luận của bà Phạm Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về vấn đề “Tác động của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ tới các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập” và bài tham luận của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khóa XII với tham luận “Những chính sách mới tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển” nhận được sự chú ý.
Còn sự chồng chéo trong những quy định của pháp luật
Phát biểu, đóng góp ý kiến tại diễn đàn, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam bày tỏ: “Có nhiều văn bản pháp lý liên quan chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Vì thế, chúng tôi mong muốn làm thế nào để hành lang pháp lý phải thông suốt từ trung ương đến địa phương. Điều này rất cần sự hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Cũng theo ông Tương: “Chi phí dịch vụ Logistic quá cao đã làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc này cũng liên quan đến cơ chế chính sách. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn có những sự hợp tác nhiều hơn nữa với Hội Luật gia Việt Nam trong việc giải quyết các vướng mắc còn tồn tại liên quan đến chính sách pháp lý”.
Tham gia phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Anh Văn, Giám đốc trung tâm Hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đang được hưởng những chính sách của Nhà nước. Doanh nghiệp được tự do kinh doanh với nhiều đổi mới về cơ chế, chính sách trong thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn do các văn bản Quy phạm pháp luật còn chồng chéo mà việc tiếp cận với hệ thống văn bản pháp luật của các doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện nay giữa các bộ ngành lại có những cách hiểu khác nhau.
Ví dụ Luật Đầu tư giải thích về Nhà đầu tư nhưng Luật Kinh doanh bất động sản lại giải thích về Chủ đầu tư, như vậy khái niệm đã khác nhau dẫn đến việc doanh nghiệp khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục pháp lý hay xin ý kiến các bộ ngành.
Bởi vậy, việc hoàn thiện chính sách pháp luật rất cần những đóng góp của Hội Luật gia trong việc tham mưu để tạo ra những cách hiểu thống nhất ở các văn bản pháp luật".
Cũng theo ông Văn, trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn mang tính rập khuôn, chưa đi sâu vào thực tế.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, sự chưa thống nhất, chồng chéo trong nhiều quy định dẫn đến hậu quả cho doanh nghiệp.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao các bài tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia và khách mời.
“Diễn đàn với chủ đề rất lớn mang tính thời sự, trọng tâm về những hạn chế, bất cập, vướng mắc còn tồn tại và những đề xuất, kiến nghị thực hiện tốt hơn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, HLG Việt Nam sẽ đề xuất các kiến nghị trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật, đặc biệt về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng yêu cầu trong nước cũng như hội nhập”, GS.TS. Lê Minh Tâm cho hay.
GS.TS. Lê Minh Tâm cũng chỉ ra những nội dung cần thực hiện là: Qua diễn đàn cho thấy các ý kiến đóng góp rất sôi nổi, các ý kiến tham gia đóng góp phản biện chỉ ra những bất cập còn tồn tại, bởi vậy rất cần tổ chức những diễn đàn để tạo điều kiện cho các bên trao đổi và phản biện.
Sự phối hợp, hợp tác hơn nữa giữa Hội Luật gia với doanh nghiệp và Hội Luật gia với Hiệp hội khác, cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Việc hợp tác sẽ phát huy thế mạnh của nhau bởi mỗi ban ngành có những thế mạnh riêng.
Qua kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các đồng chí lãnh đạo rất muốn nghe những ý kiến phản biện về khó khăn vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Bởi vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn việc tập hợp các ý kiến có tính phản biện về tư vấn, chính sách pháp luật.
Những ý kiến đó nếu được tập hợp gửi đến các lãnh đạo sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động của doanh nghiệp.