Diễn đàn Nghị viện Pháp ngữ chú trọng nông nghiệp, lương thực và biến đổi khí hậu
Nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu là ba chủ đề chính được thảo luận tại Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ, tổ chức tại Cần Thơ sáng 21/1.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ
Ngày 21/1, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu, do Quốc hội tổ chức. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định: Diễn đàn nghị viện với chủ đề hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Diễn đàn này là một trong những hoạt động của Nghị viện Pháp ngữ sau Hội nghị Thượng đỉnh Paris, nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ; khuyến khích ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công - tư... của các quốc gia trong khối.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là dịp để các đại biểu tham dự thảo luận về các ý tưởng và hành động của các nghị viện thành viên Pháp ngữ. Từ đó, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đồng thời phải ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Với những thành quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang cùng một số thành viên Pháp ngữ châu Phi, triển khai hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên một cách hiệu quả. Hợp tác trong lĩnh vực này cần được thúc đẩy hơn nữa, nhất là với sự tham gia của các quốc gia phát triển trong khối Pháp ngữ. Hợp tác về nông nghiệp sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện, ba phiên thảo luận đã diễn ra với các chuyên đề về "Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững", "Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực" và "Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu".
VN có đóng góp lớn cho nông nghiệp và an ninh lương thực trong khối
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - ông Lê Minh Hoan, cho biết: hơn 70 năm trước, kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác lúa nước của Việt Nam đã "bén rễ" tại vùng đất Camargue (vùng Đông Nam nước Pháp), giúp hạt gạo đất Pháp tỏa hương, nâng cao chất lượng, giúp người dân trong vùng vượt qua nạn đói.
Nhiều năm qua, hàng nghìn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã đến và gắn bó với các quốc gia châu Phi, để hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, ngô, nuôi cá…
Ông Hoan cũng trình bày, sinh thời, GS Võ Tòng Xuân cùng các cộng sự đã đến Tây Phi, triển khai các mô hình trồng lúa, thiết kế công trình thủy lợi…
Gần đây, có nhóm bạn trẻ với tên gọi Quang Linh Vlogs hay Team Châu Phi, đã hỗ trợ người dân bản địa ở Angola canh tác nông nghiệp theo phương thức của nông dân Việt Nam, đem lại năng suất, hiệu quả cao…
Với nhiều thế mạnh và kinh nghiệm phù hợp của một quốc gia đang phát triển năng động, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể đóng góp tích cực trong hợp tác Nam - Nam và ba bên, sẵn sàng đồng hành với các nước.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Nông nghiệp là lĩnh vực cốt lõi đối với nhiều quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ, đặc biệt là ở châu Phi, Đông Nam Á và vùng Caribe. Cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên là một phương thức hợp tác hiệu quả để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và cùng nhau giải quyết các thách thức chung, cũng như kéo gần lại khoảng cách phát triển giữa các nước trong khối.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phát triển nông nghiệp, chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu sẽ tạo nên một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh. Đồng thời, tăng cường các cơ chế hợp tác đa phương, song phương trong khối Pháp ngữ, cũng như các cơ chế hợp tác quốc tế khác, kết nối thương mại nông sản; liên kết, liên doanh đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững.
Các đại biểu cũng kêu gọi phải cùng nhau hành động thiết thực vì một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, thông qua việc áp dụng các công nghệ canh tác phù hợp và các thực hành quản lý nguồn tài nguyên bền vững, bao gồm hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trao quyền cho nông dân với kiến thức, kỹ năng, tiện ích phù hợp...