Diễn đàn phụ nữ Việt - Hàn: Chia sẻ kinh nghiệm của phụ nữ tham gia nền kinh tế xanh

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội ngày 10/9/2024, các đại biểu đến từ hai nước đã tham gia tọa đàm 'Kinh tế xanh và đóng góp của phụ nữ' nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm các sáng kiến phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế xanh.

 Các đại biểu tham gia tọa đàm

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Nỗ lực của Hàn Quốc trong việc lồng ghép tăng trưởng xanh và quản trị giới

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Yoon Jiso - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hợp tác quốc tế (KWDI) - cho biết, phụ nữ chiếm 80% trong số những người tị nạn do biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan. Điều này làm tăng nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới (GBV). Hơn nữa, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và sinh kế, dẫn đến tăng tỷ lệ bỏ học của nữ sinh, gia tăng việc tảo hôn và hôn nhân cưỡng bức. Hiện trạng bất bình đẳng giới nghiêm trọng do biến đổi khí hậu cũng không phải là ngoại lệ ở những nước phát triển.

"Tôi cho rằng, biến đổi khí hậu vừa là mối đe dọa làm gia tăng bất bình đẳng giới trong xã hội, song cũng là cơ hội để thúc đẩy bình đẳng giới" - bà Yoon Jiso nhấn mạnh.

Từ năm 2019, nhu cầu về công việc xanh tại Hàn Quốc tăng nhanh hơn 30% so với toàn bộ thị trường lao động. Mức lương cho các công việc xanh có thể cao hơn tới 20% so với các lĩnh vực khác. Điều này mở ra cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các công việc xanh. Do đó, Yoon Jiso nhấn mạnh việc mở rộng cơ hội giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực STEM để phụ nữ và trẻ em gái có thể tham gia và duy trì sự nghiệp trong các công việc xanh, xây dựng môi trường làm việc bao dung để duy trì sự nghiệp, phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực chủ đạo và trong quá trình ra quyết định.

Bà Yoon Jiso (thứ 2 từ trái sang) - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hợp tác quốc tế - phát biểu

Bà Yoon Jiso (thứ 2 từ trái sang) - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hợp tác quốc tế - phát biểu

Tại Hàn Quốc, trong quá trình thỏa luận chính sách để ứng phó biến đổi khí hậu, việc xem xét nhiều hơn về phụ nữ đang được nhấn mạnh toàn diện, nhưng có lẽ vẫn cần thêm thời gian để đạt được những kết quả khả thi. Năm 2019, dưới khung chính sách quốc giá về tăng trưởng xanh, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch dự án Green New Deal với mục tiêu tạo ra 960.000 việc làm và đưa vào 50.000 tỷ trong 4 năm vào 9 lĩnh vực công nghiệp thân thiện với môi trường. Trong dự án xanh, việc tạo ra việc làm xanh và tăng cường tuyển dụng phụ nữ đã được thảo luận.

Tuy nhiên, tính đến năm 2022, phụ nữ vẫn chỉ chiếm chưa tới 22,7% trong số nhân lực của 4.830 cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật trên toàn quốc cho thấy vẫn có nhiều khoảng trống cần cải thiện. Vì vậy, bà Yoon Jiso cho rằng cần phải suy nghĩ về cách phát triển chiến lược để ứng phó khủng hoảng khí hậu của cộng đồng quốc trong bối cảnh của Hàn Quốc; tăng cường hỗ trợ ODA cho tăng trưởng xanh và bình đẳng giới cả về lượng và chất với tư cách là một quốc giá phát triển đi trước đồng thời đề xuất chiến lượng toàn cầu của Hàn Quốc liên quan đến tăng trưởng xanh và bình đẳng giới.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (phải) và Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm tại Diễn đàn

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (phải) và Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm tại Diễn đàn

Đối với vấn đề Tăng trưởng xanh và Quản trị giới ở Hàn Quốc, Tiến sĩ Kim Eun Kyung Chủ tịch Viện Phát triển lãnh đạo Sejong, cho rằng lồng ghép giới mới chỉ được khuyến nghị thực hiện như một hướng dẫn, không có tính ràng buộc đối với thực hiện hiệp ước của các quốc gia có liên quan trong Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề khí hậu thường được ưu tiên hơn việc lồng ghép giới hoặc thảo luận về bình đẳng giới trong biến đổi khí hậu. "Tôi cho rằng, Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác cần thảo luận những chiến lược mang tầm khu vực về bình đẳng giới, như một ứng phó có trách nhiệm đối với biến đổi khí hậu" - Tiến sĩ Kim Eun Kyung nhấn mạnh.

Nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế xanh cho phụ nữ Việt Nam

Tiến sĩ Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, Bộ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoặc trực tiếp ban hành các văn bản ở 3 cấp độ. Cấp độ chủ trương, đường lối chung được thể hiện thông qua Nghị quyết số 24/NQ/TW của BCHTW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Pháp luật về bảo vệ môi trường đã cập nhật và hoàn thiện tạo nền tảng pháp lý để hướng các hoạt động phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thể hiện rõ ràng cụ thể qua Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật khoáng sáng, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ở cấp độ quy hoạch, Bộ cũng xây dựng các Quy hoạch với mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, phân bổ nguồn lực đất đai phù hợp để đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, trong điều kiện biến đổi khí hậu, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hiện nay, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và Danh mục các dự án được vay tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện để phát triển kinh tế xanh.

Bà Đào Mai Hoa (phải) - Phó ban phụ trách, Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam - chia sẻ tại tọa đàm

Bà Đào Mai Hoa (phải) - Phó ban phụ trách, Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam - chia sẻ tại tọa đàm

Bà Đào Mai Hoa - Phó ban phụ trách, Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam - cũng cho biết, trong nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn có nhiều chủ động, tích cực, sáng tạo trong thúc đẩy, hỗ trợ kết nối phụ nữ tham gia các chương trình tín dụng xanh, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

"Các chương trình tín dụng xanh của Hội không chỉ giúp chị em phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mà còn khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, đặc biệt ở các vùng nông thôn" - bà Đào Mai Hoa cho hay.

Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đầu tiên xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và ký Chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trong đó có các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính toàn diện, tài chính xanh để phát triển các mô hình sinh kế, mô hình sản xuất kinh doanh thân thiện môi trường. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ kết nối tín dụng xanh; Hội hỗ trợ, khuyến khích nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó luôn đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế bền vững thông qua các hình thức như: đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cho các chủ doanh nghiệp nữ, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh.

Hội cũng chủ trì Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và Đề án Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế và định hướng phát triển bền vững của Chính phủ. Bà Đào Mai Hoa cho rằng, nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế bền vững cũng được Hội khuyến khích hội viên, phụ nữ áp dụng như: Dự án phát triển nông nghiệp xanh, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng hạ tầng xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Hàng năm, Hội hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ kinh doanh. Trong 2 năm 2022, 2023, đã hỗ trợ nâng cao năng lực, đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thị trường cho 55.226 chủ doanh nghiệp nữ, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh.

Trong Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, 18,2 triệu hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; 78.992 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; Phối hợp, hỗ trợ thành lập mới 5.908 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý.

Các hoạt động trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ từ năm 2022 đến tháng 6/2024, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập mới được 440 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý; khích lệ thành lập các tổ hợp tác nhằm tạo tiền đề quan trọng cho việc thành lập HTX trong những năm tiếp theo.

Tại tọa đàm, các đại biểu đề xuất phụ nữ hai nước nên có thêm các diễn đàn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế xanh; tổ chức các cuộc thi và trao giải tôn vinh các tổ chức hội phụ nữ và nữ doanh nhân Việt Nam trong phát triển các mô hình kinh tế xanh; đồng thời hợp tác xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật về phát triển kinh tế xanh cho phụ nữ hai nước.

Clip: Tọa đàm "Kinh tế xanh và đóng góp của phụ nữ"

Thu Hà - Tuấn Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dien-dan-phu-nu-viet-han-chia-se-kinh-nghiem-phu-nu-tham-gia-nen-kinh-te-xanh-20240910145259561.htm