Diễn đàn quốc tế 'Quản lý thiên nhiên và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới'
Từ ngày 2-4/12, tại Đại học tổng hợp Mỏ St. Petersburg đã diễn ra Diễn đàn quốc tế 'Quản lý thiên nhiên và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới' để kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Sự kiện đã quy tụ trên 1.000 đại diện của 70 quốc gia trên thế giới là các chính trị gia, nhà khoa học, người đứng đầu các công ty năng lượng và khai thác mỏ, sinh viên và nghiên cứu sinh.
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, đại diện Việt Nam tham dự diễn đàn gồm ông Phạm Tuấn Huy, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; ông Phan Kế Long, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị".
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matvienko; Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov; Phó Thủ tướng Alexander Novak; Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov, Thống đốc thành phố St. Petersburg, Alexander Beglov; Người đứng đầu Cộng hòa Tatarstan thuộc LB Nga Rustam Minnikhanov, Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Đại học Valery Falkov đã gửi thư chào mừng tới Diễn đàn
Đọc diễn văn khai mạc Diễn đàn, Hiệu trưởng Đại học tổng hợp Mỏ St. Petersburg, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trung tâm Năng lực Quốc tế về Giáo dục Kỹ thuật Mỏ dưới sự bảo trợ của UNESCO, ông Vladimir Litvinenko đã nêu bật việc giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường trong bối cảnh tổ hợp tài nguyên khoáng sản không ngừng thay đổi. Các công nghệ mới đang nổi lên dẫn đến nhu cầu về kim loại ngày càng tăng. Tuy nhiên hơn một nửa ngoại thương của thế giới vẫn là buôn bán nguyên liệu thô, mà trước hết là hydrocarbon và đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền văn minh thế giới ít nhất là cho đến giữa thế kỷ này.
Các chủ đề được nêu ra tại Diễn đàn liên quan đến toàn thế giới. Đó là làm thế nào để giảm thiểu tác động của con người với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên... Diễn đàn đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của nguyên liệu thô cần thiết cho sự phát triển bền vững của các quốc gia và đặc biệt là đầu tư vào các ngành công nghiệp khai khoáng. Tài nguyên thiên nhiên là nguồn vốn đặc biệt, nhưng sự phát triển của chúng đòi hỏi nỗ lực của các nhà chuyên môn.
Từ 5-9/12, Diễn đàn sẽ tiếp tục diễn ra tại Kazan, thủ phủ của CH Tatarstan thuộc LB Nga.