Diễn đàn trẻ em - sân chơi và cầu nối
Diễn đàn trẻ em là sân chơi bổ ích nhằm giúp trẻ có cơ hội bày tỏ ý kiến, quan điểm, tâm tư, tình cảm về các quyền của trẻ em và những vấn đề quan tâm. Trên cơ sở đó giúp các tổ chức, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách hiểu tâm tư, nhu cầu của trẻ em, từ đó hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em tốt hơn. Với chủ đề 'Trẻ em với các vấn đề về trẻ em', diễn đàn trẻ em năm 2019 còn trang bị cho trẻ những kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao nhận thức để rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi tri thức, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
>> Diễn đàn “Trẻ em với các vấn đề trẻ em”
>> Diễn đàn trẻ em sẽ diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-7
>> Hớn Quản đạt giải nhất hội thi kể chuyện theo sách cấp tỉnh
>> Sân chơi trải nghiệm cho học sinh
>> Sân chơi bổ ích trong dịp hè
Những tấm gương cháu ngoan Bác Hồ
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 5 năm qua thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Bình Phước tích cực học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy bằng nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, đã có 771.203 lượt đội viên, thiếu niên, nhi đồng được tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ các cấp. Tiêu biểu trong học tập có các em: Lê Thị Thanh Huyền (lớp 5/1 Trường tiểu học An Lộc A, Bình Long) đoạt giải ba cuộc thi Olympic tài năng tiếng Anh (OTE) toàn quốc lần I, khu vực phía Nam năm 2014; Hoàng Lê Thu Thảo (Trường THCS Thanh Lương, Bình Long) đoạt giải ba cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2017 với sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ tiểu phẫu heo con”.
Trẻ em ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Trẻ em ấp 5, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) chỉ vui chơi quanh nhà dịp hè
Thông qua các hoạt động, phong trào đã vận động được trên 60 tỷ đồng; quyên góp được hàng ngàn cuốn sách giáo khoa, tập vở và rất nhiều quần áo giúp trên 45.083 lượt học sinh nghèo vượt khó học tập, xây dựng trên 55 căn nhà khăn quàng đỏ, trao 410 xe đạp; duy trì 728 công trình măng non với các phần việc như: chăm sóc cây cảnh, bồn hoa, làm khu vui chơi, xây dựng tủ sách, mua trống, kèn... Điển hình trong phong trào “Nghìn việc tốt” là em Lê Đoàn Phương Dung (lớp 5/1 Trường tiểu học An Lộc B, Bình Long), một trong 72 đội viên xuất sắc cả nước vinh dự được nhận giải thưởng “Dũng sĩ nghìn việc tốt” do Trung ương Đoàn tuyên dương năm 2013; em Đào Tâm Đức (lớp 9A1, Trường THCS Tân Tiến, Đồng Phú) là đại biểu duy nhất của tỉnh nhận giải thưởng Kim Đồng năm 2019. Ngoài ra, em Trần Đức Đông (lớp 2A3 Trường tiểu học Long Tân, Phú Riềng) được Hội đồng Đội Trung ương trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” vì đã dũng cảm quên mình cứu bạn trong vụ đuối nước năm 2017...
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế
Thời gian qua, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh chú trọng được chăm sóc nhiều hơn, các quyền của trẻ em được đảm bảo và thực hiện tốt. Toàn tỉnh hiện có trên 90% trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, trên 90% trẻ em trong độ tuổi quy định được cấp thẻ bảo hiểm để khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm rõ rệt; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục được tăng cường... Tuy nhiên công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn những khó khăn như: đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp huyện, xã thường xuyên thay đổi, gây khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ; thực trạng trẻ bị xâm hại, bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích (đuối nước) tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra; khu vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa đáp ứng nhu cầu... Nguyên nhân do Bình Phước có khoảng 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,76% tổng số hộ nghèo và chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, xa với cơ sở hạ tầng và các điều kiện kinh tế, xã hội còn lạc hậu nên việc đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ổn định, thường xuyên thay đổi, bộ máy chưa đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về công tác này chưa cao, một vài thời điểm chưa sát sao trong chỉ đạo điều hành, vẫn còn những địa phương chưa lồng ghép các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Rất ít địa phương có nghị quyết chuyên đề của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ nên công tác truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn hạn chế, nhất là sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa đồng bộ. Các địa phương chưa chú trọng việc quy hoạch và xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em...
Lắng nghe trẻ em nói
Em Huỳnh Thị Ngọc Diệp (học sinh lớp 6, Trường THCS Tân Phú, Đồng Xoài) chia sẻ: Nhà em ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài. Mấy năm nay ở khu dân cư không tổ chức phong trào hoạt động dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng nên từ lúc nghỉ hè đến nay em chỉ đi học thêm, ở nhà xem tivi, phụ mẹ trông em. Em mong được tham gia các hoạt động, phong trào tại khu dân cư để học hỏi nhiều hơn những kỹ năng trong cuộc sống.
Chia sẻ về sở thích trong dịp hè, em Nguyễn Khải Nguyên, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết: “Tụi em chỉ mong hè đến để được nghỉ ngơi, vui chơi nhưng chưa đến hè ba mẹ đã đăng ký cho đi học thêm. Theo em nên có nhiều hơn những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phải có hình thức mới, nội dung sáng tạo, phù hợp, thiết thực, từ đó thu hút sự quan tâm của học sinh và phụ huynh”.
Còn em Trần Trúc Ly, thị xã Phước Long cho rằng: “Nhiều phụ huynh than phiền vì thanh thiếu niên và nhi đồng thời nay nghiện tivi, điện thoại. Nhưng em thấy có một số cha mẹ ít dành thời gian quan tâm con cái. Tụi em muốn cùng ba mẹ làm việc nhà, ăn cơm, cùng học bài... để gia đình lúc nào cũng được sum họp. Tụi con cần ba mẹ lắng nghe, chia sẻ trong cuộc sống”.
Theo thống kê, dân số Bình Phước tính đến năm 2017 là 968.714 người, trong đó: trẻ em dưới 16 tuổi là 306.143 người, chiếm 31,4% dân số toàn tỉnh; số trẻ em người dân tộc thiểu số 79.597 người (chiếm 26% tổng số trẻ em); số trẻ em hoàn cảnh đặc biệt 3.500 người (chiếm 1,14% tổng số trẻ em); số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khoảng 25.000 người (chiếm 8,17% tổng số trẻ em). Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt thấp (mục tiêu giao đến năm 2020 đạt ít nhất 30% nhưng đến nay chỉ đạt 12%). Tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích còn ở mức cao (mục tiêu giao đến năm 2015 dưới 4%o, đến năm 2020 dưới 3,5%o nhưng năm 2015 ở mức 7,23%o và đến hết năm 2017 là 6,47%o).
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dien-dan-tre-em---san-choi-va-cau-noi-154910