Diễn đàn VBF: Các doanh nghiệp nước ngoài khuyến nghị gì đối với Việt Nam?

Hôm nay (26/6), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội, ghi nhận khá nhiều quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với một số vấn đề tại Việt Nam.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Diễn đàn VBF với chủ đề "Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh cần sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng tăng so với nhu cầu về năng lượng điện.

Điều này đòi hỏi cơ cấu giá tính đủ giá thành sản xuất, khuyến khích sử dụng hiệu quả cũng như cơ chế khai thác sản xuất điện tư nhân như năng lượng mặt trời trên mái nhà thông qua các hợp đồng mua bán điện trực tiếp hợp lý hơn.

Để có được nguồn điện bền vững, Việt Nam cần phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo và tiếp tục nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện. "Các doanh nghiệp thành viên của AmCham là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này và mong muốn hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu về môi trường, y tế, an ninh kinh tế và địa chính trị trong quá trình phát triển năng lượng", đại diện AmCham bày tỏ.

Ông Peter Rimmer, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) cho rằng hạ tầng lưới điện yếu cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng 12% khiến các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với thách thức lớn về năng lượng. Các lựa chọn về năng lượng tái tạo thay thế là hết sức tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, song song với đó, cần cân nhắc đến ưu đãi cho hiệu quả năng lượng và đầu tư từ khu vực tư nhân.

Để mở đường cho các dự án năng lượng tái tạo, Việt Nam cần điều chỉnh giá điện, điều tiết thị trường và cung cấp nhiều hơn các sản phẩm tài chính hỗn hợp cho khu vực tư nhân. BBGV ủng hộ sự chuyển đổi mô hình định giá điện dựa trên cơ chế định giá thị trường. Điều này cũng sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo việc làm - hệ thống truyền tải của các dự án năng lượng mặt trời đang chờ chính phủ phê duyệt và các sửa đổi tham vọng hơn trong tổng sơ đồ điện cũng sẽ xảy ra.

Quan tâm cơ sở hạ tầng và PPP

Góp ý tại Diễn đàn, ông Tomaso Andreatia, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết tổ chức này đã gửi 109 kiến nghị để cải thiện Luật về đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Theo EuroCham, điều quan trọng không chỉ là luật này cần được ban hành càng sớm càng tốt, mà còn là xây dựng mối quan hệ tin cậy lâu dài và các quy tắc rõ ràng giữa Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và các thị trường.

"Cơ sở hạ tầng là một vấn đề đầu tư lâu dài, không chỉ là sự cần thiết của một cơ chế ra quyết định minh bạch và nhanh chóng để khởi động dự án, mà cần lưu ý rằng những thay đổi bất ngờ từ phía Chính phủ hoặc đối tác tư nhân có thể dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng", đại diện EuroCham cho biết.

"Khi Việt Nam ngày càng phát triển, vai trò của Nhà nước cần được thể hiện rõ hơn trong việc định hướng, tạo điều kiện và giám sát các hành vi tốt của tất cả các bên tham gia thay vì trực tiếp thực hiện hầu hết các công việc", tham luận của EuroCham nêu.

Đại diện AmCham cho biết năm 2018, 76% nguồn vốn FDI vào Việt Nam tập trung ở 3 lĩnh vực: Chế tạo, bất động sản và bán lẻ. AmCham mong muốn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ nhiều hơn công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam.

Theo Báo cáo Triển vọng hạ tầng toàn cầu, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong khi nguồn ngân sách công chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển này thì trên toàn cầu, hàng nghìn tỷ USD vẫn đang tìm điểm đến cho các khoản đầu tư dài hạn và ổn định. Kết nối nguồn vốn đó với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ giúp tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa và hành khách, nâng cao năng suất, uy tín, từ đó tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

"Huy động nguồn vốn cần thiết cho cơ sở hạ tầng đòi hỏi sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, đổi lại họ sẽ nhận được tỷ suất lợi điều chỉnh theo mức độ rủi ro thị trường. Mặc dù các điều khoản đầu tư này có thể không hấp dẫn như nguồn vốn của các ngân hàng phát triển nhưng trong dài hạn, đây mới là nguồn phong phú và bền vững hơn cả. Các doanh nghiệp thành viên của AmCham hy vọng Chính phủ sẽ thiết lập cơ chế đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng", đại diện AmCham cho biết.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng Việt Nam sẽ cần trung bình ít nhất 16,7 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2015-2025 để tài trợ cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới dự báo con số lên tới 25 tỷ USD mỗi năm, số vốn đầu tư cao hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2011-2015, nhóm công tác cung cấp thêm thông tin.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/dien-dan-vbf-cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-khuyen-nghi-gi-doi-voi-viet-nam/369307.vgp