Diễn đàn vì tương lai Việt Nam- Hàn Quốc lần thứ 5

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc phối hợp tổ chức Diễn đàn: Vì tương lai Việt-Hàn lần thứ 5, với chủ đề: '30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc: Hướng tới nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện'.

Quang cảnh Diễn đàn Vì tương lai Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ V.

Quang cảnh Diễn đàn Vì tương lai Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ V.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc; PGS, TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ngoài ra, phía Hàn Quốc còn có: GS Lee Geun, Chủ tịch Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc; Hong Sung Guk, Đại biểu Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam cùng đông đảo các diễn giả, nhà khoa học tham dự diễn đàn.

Ông Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu phiên khai mạc.

Ông Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu phiên khai mạc.

PGS, TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: Được khởi xướng từ năm 2012, Diễn đàn Vì tương lai Việt-Hàn là kênh đối thoại quan trọng giữa các nhà hoạch định chính sách, những người làm thực tiễn chính sách, các chuyên gia và các học giả của Việt Nam và Hàn Quốc. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại đây sẽ được tổng hợp, chắt lọc thành “Báo cáo kiến nghị” trình lên Chính phủ hai nước nhằm góp phần thúc đẩy và nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc lên một tầm cao mới trong thời gian tới. Diễn đàn Vì tương lai Việt-Hàn lần thứ 5 này sẽ góp phần làm rõ nội hàm quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước trong bối cảnh mới, từ đó tìm các giải pháp thúc đẩy và phát huy hiệu quả cao nhất mối quan hệ này vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Diễn đàn diễn ra gồm 3 phiên. Phiên 1: Nhìn lại 30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc; Phiên 2: Hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc trong bối cảnh kinh tế-chính trị quốc tế mới; Phiên 3: Triển vọng, cơ hội và giải pháp nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc vào ngày 22/12/1992, hai bên đã hai lần nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” năm 2001; “đối tác hợp tác chiến lược” năm 2009. Lãnh đạo cao cấp hai nước cũng đã nhất trí ủng hộ việc hướng tới nâng tầm quan hệ thành “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2022 - năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc.

Trải qua tròn 3 thập niên, quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc không ngừng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: Về chính trị-ngoại giao, quan hệ Việt- Hàn luôn được củng cố và mở rộng, ngày càng đi vào thực chất, hiện đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao thông qua các hoạt động viếng thăm và hội đàm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như các cơ chế đối thoại của các bộ, ngành được duy trì và thiết lập góp phần trao đổi những vướng mắc để cùng giải quyết cũng như đề xuất các sáng kiến thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quốc gia. Quan hệ giao lưu qua kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân không ngừng được tăng cường và mở rộng, là nền tảng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt- Hàn phát triển trên các lĩnh vực khác.

Về kinh tế-thương mại, Hàn Quốc luôn giữ vững vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ nhất, đối tác thương mại lớn thứ 3, thị trường xuất khẩu lao động thứ 2, số lượng khách du lịch Hàn Quốc cũng đứng thứ 2 trong tổng số lượng khách quốc tế vào Việt Nam… Ngoài ra, các hoạt động giao lưu về văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, thể thao, y tế… giữa hai nước cũng được diễn ra thường xuyên và hiệu quả, góp phần đưa quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc phát triển một cách toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Có thể nói, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 30 năm hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là “động lực” để hướng tới nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ở khía cạnh khác, quan hệ Việt-Hàn cũng đang phải chịu tác động bởi các nhân tố mới ở khu vực và trên thế giới cũng như sự điều chỉnh chính sách của chỉnh phủ mỗi nước như: Cuộc chiến tại Ukraine, Sự ra đời của liên minh AUKUS, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và rộng mở (FOIP), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), Chiến lược ngoại giao và an ninh mới của Hàn Quốc tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (dự kiến sẽ được chính phủ của Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố trong tháng 7)… Do đó, để duy trì, phát huy những thành tựu to lớn đạt được trong 3 thập niên qua và đưa quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc lên một tầm cao mới đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của lãnh đạo cấp cao, các Bộ ngành, nhân dân hai nước.

 Ông Hong Sung Guk, Đại biểu Quốc Hội kiêm phó Chủ tịch Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam, phát biểu ý kiến.

Ông Hong Sung Guk, Đại biểu Quốc Hội kiêm phó Chủ tịch Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam, phát biểu ý kiến.

Ông Hong Sung Guk, Đại biểu Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam cho biết: “Tôi rất vui mừng khi Hàn Quốc và Việt Nam quyết định nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi hy vọng rằng đây sẽ là năm đầu tiên của một bước tiến mới, nhìn lại quá khứ và hiện tại và thiết kế một tương lai tiến bộ hơn”.

Có một cách gọi Hàn Quốc và Việt Nam là “quốc gia thông gia”. Điều này chứng tỏ giao lưu nhân lực đang rất sôi nổi. Giao lưu về con người là giao lưu cấp cao nhất bao gồm cả vật chất và văn hóa, vì vậy chúng ta có thể hình dung được tình hữu nghị giữa hai nước bền chặt như thế nào. “Mối duyên thông gia” giữa hai quốc gia đã xuất hiện trong cả truyện dân gian Hàn Quốc cách đây 1.300 năm. Lịch sử hai vị hoàng tử Việt Nam là Lý Long Tường (Lee Yong-sang) và Lý Dương Côn (Lee Yang-gon) đã đặt chân đến Cao Ly cách đây 800 năm và trở thành tổ tiên của gia tộc Lý Tinh Thiện (Jeongseon Lee) và gia tộc Lý Hoa Sơn (Hwasan Lee) cũng được nhiều người biết đến.

(Ông Hong Sung Guk, Đại biểu Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam)

Hàn Quốc và Việt Nam có lịch sử và quỹ đạo phát triển kinh tế tương đồng. Không chỉ yếu tố địa chính trị như đều là quốc gia bán đảo nối liền lục địa và đại dương, mà còn là nền tảng văn hóa chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nền tảng lịch sử từng trải qua nỗi đau chia cắt, và cả nền tảng của sự phát triển kinh tế mang tên 'Chính sách Đổi mới' và 'Kỳ tích sống Hán'.

Mặc dù mới chỉ 30 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng kim ngạch thương mại vốn chỉ đạt 500 triệu USD vào thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao đã tăng gần 140 lần, đạt 69 tỷ USD tính đến năm 2020. Dự kiến sẽ vượt 100 tỷ USD trong vòng một hoặc hai năm tới.

Hơn 7.700 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam, tính đến năm ngoái đã đầu tư 29,4 tỷ USD vào Việt Nam và đang cùng nhau xây dựng tương lai của Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho 2 nước hợp tác cùng hợp sức phát triển tình hữu nghị. Chế độ thông hành nhanh để các doanh nhân Hàn Quốc và Việt Nam có thể tự do xuất nhập cảnh đã được đưa ra và và thậm chí còn hỗ trợ các chuyến bay thuê bao.

Sự hợp tác kinh tế vững chắc như vậy là nền tảng vững vàng cho việc thực hiện Chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc. Cũng nhờ Việt Nam - quốc gia đã thể hiện thành công vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020 giữa đại dịch mà việc hợp tác với các nước ASEAN đã có thể diễn ra trong thời điểm khó khăn.

Ông Hong Sung Guk cho biết thêm: “Nếu đặt ra mục tiêu chung là kim ngạch thương mại tăng lên 150 tỷ USD vào năm 2030 và Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045 thì quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ được củng cố hơn nữa. Tôi kỳ vọng rất nhiều về mối quan hệ mẫu mực hợp sức những lúc khó khăn và dẫn dắt tương lai của hai nước. Hai quốc gia có sự đồng nhất về lịch sử văn hóa và có quan hệ hợp tác kinh tế sẽ có thể tiến tới một mối quan hệ lẫn nhau trong một trật tự quốc tế đối đầu. Chúng ta đang ở ngã ba đường quan trọng, nơi chúng ta cần nhìn lại chặng đường 30 năm qua và phát triển những nhiệm vụ cho 30 năm tới”.

PHẠM NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/dien-dan-vi-tuong-lai-viet-nam-han-quoc-lan-thu-5-701097/