Diễn đàn Việt Nam toàn cầu: Kết nối tương lai - đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững
Sáng 4/11, tại Paris, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Diễn đàn 'Việt nam toàn cầu: Kết nối tương lai - đổi mới sáng tạo - phát triển bền vững'.
Sáng 4/11, tại Paris, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tới Pháp, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Diễn đàn “Việt Nam toàn cầu: Kết nối tương lai - đổi mới sáng tạo - phát triển bền vững”. Trong 2 ngày (4-5/11), hơn 100 chuyên gia, trí thức tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các tổ chức trực thuộc chính phủ, và tổ chức phi chính phủ cùng thảo luận các giải pháp kết nối những tài năng, những ý tưởng sáng tạo và chính sách phát triển bền vững cho Việt Nam trong những thập kỷ tới.
Hội nghị được tổ chức tại Paris vào hai ngày (4-5/11) với bốn phiên trao đổi tại chỗ và trực tuyến xen kẽ, với các chủ đề kết nối: Kết nối Tương lai - Kết nối Đối tác - Kết nối Đổi mới sáng tạo và Kết nối Nhân tài.
Ngoài các diễn giả chính, diễn đàn quy tụ sự tham gia của 100 chuyên gia, trí thức Việt Nam và quốc tế tiêu biểu hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực chiến lược được lựa chọn, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các tổ chức trực thuộc chính phủ, và tổ chức phi chính phủ.
Diễn đàn cũng sẽ là điểm hẹn cho chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách có tầm ảnh hưởng gặp gỡ, suy nghĩ, đóng góp ý tưởng xây dựng kế hoạch và hành động vì một Việt Nam toàn cầu phát triển thịnh vượng (trong tầm nhìn 2045), đóng góp tích cực và trách nhiệm vào thúc đẩy một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global nhấn mạnh: “Kết nối tương lai, kết nối đối tác, kết nối đổi mới sáng tạo và tạo một diễn đàn chia sẻ thông tin và tạo mạng lưới hợp tác là mục đích lớn nhất của chúng tôi khi đưa ra ý tưởng tổ chức Diễn đàn Một Việt Nam toàn cầu lần này. Mong muốn rằng qua các phiên thảo luận sôi nổi, các diễn giả sẽ cùng xác định các yếu tố chính và các giải pháp đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững, đóng góp xây dựng và phát triển Việt Nam cũng như giải pháp huy động nhân tài Việt Nam toàn cầu vì tương lai của đất nước”.
Sau lễ khai mạc, đã diễn ra phiên thảo luận đầu tiên “Kết nối Tương lai “Bình thường mới” tầm nhìn 2025: Thách thức lớn hơn, Ứng dụng công nghệ nhiều hơn cho phát triển” được điều phối bởi TS. Philipp Rösler, Nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sỹ & Giám đốc điều hành Consessor AG, Thụy Sỹ. Diễn giả chính là các chuyên gia hàng đầu như Nguyên Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới Bertrand Badré; Giáo sư Bodil Steen Rasmussen, Bệnh viện Đại học Aalborg & Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch, gây mê Châu Âu, Đan Mạch; TS. Joe Ravetz, Đồng Giám đốc Trung tâm Năng lượng & Khả năng Phục hồi Đô thị, Đại học Manchester, Vương quốc Anh…
Các diễn giả và các đại biểu tham dự diễn đàn đã cùng thảo luận những vấn đề thời sự hiện nay như: Ứng phó với Covid-19 bằng khoa học và phối hợp chính sách trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau; Góc nhìn chăm sóc tích cực (ICU) thu được từ thực địa và hướng về tương lai: Bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19; Đại dịch - 3.0 - Từ khủng hoảng đến biến đổi - Khám phá Thử thách COVID-19; Tài chính có cứu vãn được thế giới? …
Trong phiên làm việc vào buổi chiều (giờ Paris), dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận sôi nổi về Kết nối những đối tác sáng tạo nhất, có tác động mạnh nhất vì một Việt Nam toàn cầu. Trong đó có sự tham gia của những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Chủ tịch - Tổng giám đốc Vietjet Air; Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital, Việt Nam…thảo luận với các đối tác lớn của Pháp về các vấn đề của phát triển bền vững và giải pháp khôi phục kinh tế hậu đại dịch.
Với mong muốn thúc đẩy kết nối nhân tài đóng góp về cho quê hương đất nước nhiều hơn, Bác sỹ Đinh Xuân Anh Tuấn – thành viên Nhóm phản ứng nhanh ứng phó với Covid-19 trong AVSE đề xuất: “Tôi rất hoan nghênh nỗ lực của các anh chị em trong AVSE. Đó là cơ hội quan trọng để chúng ta thúc đẩy trao đổi với chuyên gia ở nước ngoài và có cả những chuyên gia gốc Việt như chúng tôi. Đó là nỗ lực quan trọng, làm cho sự trao đổi và kết nối giữa những người có cùng mối quan tâm chung đưa khoa học vào chống dịch bệnh nói riêng và tăng cường hiểu biết về y tế trên thế giới nói chung. Tôi cũng rất hoan nghênh chính phủ Việt Nam ngày càng khuyến khích sự đóng góp của người Việt sống tại nước ngoài. Tương lai Việt Nam là các bạn trẻ 30-40 tuổi nên cũng mong muốn chính phủ Việt Nam tạo điều kiện nhiều hơn cho các chuyên gia trẻ tuổi đó ra nước ngoài học tập làm việc hoặc ở nước ngoài, về nước nhiều hơn để thúc đẩy trao đổi khoa học”./.