Điện gió bị khuất gió
Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ trong thời gian qua.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ở một số tỉnh thành như: Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai… Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tiềm năng sản xuất điện gió của Việt Nam lên đến 513.360MW/năm.
Để thúc đẩy phát triển điện gió, năm 2011, Thủ tướng đã ban hành Quyết định về Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Dự kiến tổng công suất nguồn điện gió sẽ đạt 1.000MW vào năm 2020 (chiếm 0,7% tổng lượng điện cả nước) và 6.200MW vào năm 2030. Chỉ trong vòng 1-2 năm sau khi có chủ trương phát triển điện gió, nhiều chủ đầu tư đã hăng hái đăng ký hàng loạt dự án với tổng công suất gần 5.000MW.
Tuy nhiên, trong số trên 50 dự án đăng ký, hiện chỉ có 3 dự án đã hoàn thành và phát điện, gồm: dự án của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo VN (REVN) tại huyện Tuy Phong, dự án của Tổng công ty Điện lực dầu khí trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) và dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu của Công ty Công Lý (Bạc Liêu). Ngoài ra, dự án Nhà máy điện gió Công Hải do liên doanh Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Phát điện 2 và CTCP Đầu tư kinh doanh điện lực TPHCM làm chủ đầu tư cũng đã khởi công xây dựng giai đoạn 1 tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận). Tất cả các dự án còn lại đều án binh bất động.
Thực trạng các dự án điện gió chưa tìm được lối ra có nhiều nguyên nhân như vốn, giá bán điện, công nghệ, cơ chế hỗ trợ... Tuy nhiên, có 2 nguyên nhân được xem là “nút thắt” lớn nhất là vấn đề vốn đầu tư và giá bán điện. Theo tìm hiểu, vốn để xây dựng một nhà máy điện gió thường đắt gấp đôi so với các nhà máy thủy điện/nhiệt điện có cùng công suất.
Như Nhà máy điện gió Bạc Liêu có tổng công suất 99MW cần nguồn đầu tư lên đến 5.200 tỷ đồng. Với kinh phí đầu tư quá lớn như vậy, ít doanh nghiệp nào đủ tầm để đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết hiệu quả đầu tư thấp vì giá mua điện gió quá rẻ. Giá mua điện gió hiện ở mức 7,8 xu USD/kWh, trong khi để có lời giá bán phải từ 10 xu USD/kWh trở lên.
Và chính vì hiệu quả đầu tư quá thấp, rủi ro cao nên các doanh nghiệp phát triển điện gió rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, còn nếu vay với lãi suất cao ở các ngân hàng thương mại thì sẽ dẫn đến nguy cơ lỗ nặng.
Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140816/dien-gio-bi-khuat-gio.aspx