Điện gió ngoài khơi: Bài toán kinh tế biển hiệu quả
Hiệu quả kinh tế cao, lại bảo đảm môi trường không bị tác động bởi phát thải nhà kính, biến đổi khí hậu, phát triển điện gió ngoài khơi là một giải pháp tất yếu phải hướng đến vì một tương lai lâu dài, bền vững.
Với tình trạng biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất đang tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, trong đó đặc biệt là kinh tế đã cho thấy xu hướng phát triển năng lượng xanh là tất yếu. Một trong những giải pháp phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam được các chuyên gia cho là đột phá dựa trên tiềm năng sẵn có là điện gió ngoài khơi. Giải pháp này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận mục tiêu thiên niên kỷ đảm bảo phát triển trong môi trường mang tính bền vững.
Theo đánh giá của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) tài nguyên điện gió ngoài khơi (ĐGNK) toàn cầu có tiềm năng đạt 420.000 TWh hàng năm nhiều gấp 18 lần nhu cầu hiện tại của toàn thế giới.
Riêng với Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2019, có tiềm năng 475 GW ĐGNK tại vùng biển có độ sâu nhỏ hơn 200 m. Đây thực sự là cơ hội để Việt Nam tận dụng phát triển nguồn năng lượng xanh sẵn có thay thế dần nguồn năng lượng truyền thống là thủy điện, nhiệt điện than đang dần cạn kiệt, lại có công suất thấp hơn nhiều so với ĐGNK (tổng công suất các nhà máy điện là 40 GW). Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, với công suất từ nguồn năng lượng ĐGNK có thể đáp ứng nhu cầu điện năng không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai cho Việt Nam.
Với đặc thù vùng ven biển nước ta, nhất là ở phía Nam có diện tích rộng khoảng 142.000km2, có độ sâu từ 0m đến 60m… đủ tiềm năng phát triển tốt ĐGNK. Theo nghiên cứu, khảo sản, vùng này đạt tốc độ gió trung bình ở độ cao 100m thì đạt hơn 7-10m/s, đủ điều kiện cơ bản để phát triển ĐGNK.
Hiện nay trang trại gió biển Bạc Liêu với công suất 100 MW đã hoạt động cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm và dự báo tới năm 2025, lên tới 1.000 MW hay 3 tỷ kWh/năm.
Với công suất hoạt động này, theo TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo, các trang trại tuabin gió tại Bạc Liêu đã hoạt động tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội thu hồi vốn khoảng hơn 10 năm, so với tuổi thọ tuabin 50 năm. TS Toán cho hay, trang trại gió biển hiện đóng góp ngân sách cho địa phương với nguồn thu ổn định, như tỉnh Bạc Liêu đạt 76 tỷ đồng/năm, khi hoàn thành trang trại gió 1.000 MW sẽ lên tới gần 760 tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự, siêu dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận với công suất 3,4 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi từ năm 2019 và có thể hoàn thành trước năm 2030 sẽ mang lại vị thế cường quốc ĐGNK cho Việt Nam.
TS Dư Văn Toán khẳng định với tiềm năng này ĐGNK sẽ là đột phá mới cho phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Không chỉ đóng góp phát triển kinh tế, ĐGNK với năng lượng gió trên biển được chuyển đổi thành điện năng nhờ các tuabin gió và được chế tạo với tuổi thọ cao hơn phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển, còn là những điểm tham quan, du lịch học tập, là “mắt thần” giúp tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Tuy nhiên để phát triển ĐGNK, TS Toán nhấn mạnh cần có chiến lược, nhất là trong bối cảnh có nhiều thuận lợi hơn khó khăn như Đảng và Nhà nước đã ban hành NQTW 55, NQTW 36 về phát triển NLTT biển, ĐGNK, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu; Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực thì các nguồn vốn lớn và công nghệ ĐGNK từ EU dễ dàng tham gia phát triển ĐGNK tại Việt Nam. TS Toán khẳng định: “Cơ hội hội tụ đủ cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, và trở thành một trung tâm ĐGNK lớn của thế giới và thúc đấy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ và tương lai xuất khẩu ĐGNK sang khu vực ASEAN và lân cận”.
Các giải pháp TS Toán đề xuất nhằm phát triển ĐGNK khơi là cần sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ĐGNK; Phải sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển ĐGNK Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án ĐGNK và các năng lượng biển khác.
Đồng thời xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chính sách giá mua điện, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế cacbon của quốc gia; Cần có Chương trình nghiên cứu khoa học về ĐGNK, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ…