Điện gió Pháp đối mặt với sự cạnh tranh 'bất công' từ Trung Quốc

Thông qua Hiệp hội Năng lượng tái tạo Pháp, các nhà hoạt động trong lĩnh vực điện gió của Pháp hôm thứ Ba (ngày 3/10) đã kêu gọi châu Âu và Pháp ban hành 'một chính sách công nghiệp tham vọng' để chống lại tình trạng cạnh tranh 'bất công' từ các gã khổng lồ Trung Quốc trong cùng lĩnh vực.

Điện gió ngoài khơi ở Pháp

Điện gió ngoài khơi ở Pháp

Gần đây, tổng đại biểu của hiệp hội, ông Michel Gioria, đã tuyên bố rằng "sự hỗ trợ dành cho các nguồn năng lượng tái tạo nhất định phải được bổ sung bằng một chính sách công nghiệp đầy tham vọng".

Chính sách công nghiệp này "phải đảm bảo các yếu tố sản xuất những linh kiện được sử dụng trong quy trình sản xuất tuabin gió, tấm pin mặt trời, máy bơm nhiệt, xe điện... Tất cả tạo nên hệ sinh thái điện phải được bản địa hóa càng nhiều càng tốt ở châu Âu và Pháp", ông nói thêm trong cuộc họp báo ở Paris.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập đến việc giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng của Pháp từ 60% xuống 40% đến năm 2030, giúp Pháp "lấy lại chủ quyền năng lượng". Ông Gioria đã cảnh báo về một dạng phụ thuộc "công nghệ", nếu Pháp và châu Âu không bảo vệ được lá cờ dẫn đầu trong ngành điện gió và điện mặt trời của mình.

Vào giữa tháng 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong tương lai phải "được xây dựng ở châu Âu", nhưng ông Gioria vẫn đang kiên quyết đợi một "hiệp ước điện gió", được trình bày vào ngày 24/10.

Ngoài những biện pháp nhằm "tăng cường đầu tư vào các khu sản xuất hiện có, nó còn phải mang tính thực tế và chống lại được sự cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp được những quốc gia có quy tắc cạnh tranh không giống như ở châu Âu hỗ trợ", đặc biệt là Trung Quốc.

Ông Gioria đặc biệt hy vọng vào khả năng đưa ra các tiêu chí về linh kiện có nguồn gốc châu Âu trong các cuộc gọi thầu, ban đầu ở tỷ lệ 50%, điều mà luật pháp châu Âu hiện không cho phép. Ông cảnh báo: "Trong hiệp ước điện gió châu Âu, những quy tắc này sẽ phải thay đổi để không bị hạn chế hiệu quả".

Riêng Pháp, Hiệp hội Năng lượng tái tạo đang trông cậy vào việc thông qua dự luật tài chính năm 2024 về tín dụng thuế nhằm hỗ trợ các công ty đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Ý Thiên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dien-gio-phap-doi-mat-voi-su-canh-tranh-bat-cong-tu-trung-quoc-695864.html