Điện gió tại Việt Nam đạt công suất 6 GW vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi
Việt Nam hiện là quốc gia có tiềm năng rất lớn về điện gió, tuy nhiên cần một lộ trình và kế hoạch dài hạn giải quyết các thách thức về vốn đầu tư, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng… để có thể phát triển quy mô ngành điện gió tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á về cả gió trên bờ và trên biển, với công suất dự kiến 800 MW vào năm 2020 và 6 GW vào năm 2030. Đường bờ biển dài hơn 3.000 km giúp Việt Nam có được nguồn tài nguyên gió tốt nhất, nổi bật là từ Ninh Thuận trở vào khu vực phía Nam. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực đã phát triển điện gió trên biển với 99 MW đã được lắp đặt.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có tiềm năng vô cùng to lớn về năng lượng tái tạo để đảm bảo được sự độc lập, không phụ thuộc vào các nguồn khác cũng như đảm bảo về an ninh năng lượng. Với năng lực này, Việt Nam hoàn toán có thể phát triển được hệ thống năng lượng mới trong xu hướng phát triển năng lượng toàn cầu.
Với công nghệ ngày càng phát triển và giá thành sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo giảm nhanh chóng, công nghệ năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành điện của Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 dự báo tốc độ tăng trưởng điện năng sản xuất bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 là 10,7%/năm và giai đoạn 2021 – 2025 là 8,6%/năm. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm cung ứng điện năng. Việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng mang tính chiến lược góp phần đa dạng hóa nguồn cung và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Chính phủ Việt Nam cũng đã thấy được nhiều cơ hội và lợi ích trong quá trình chuyển đổi năng lượng, từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Chính phủ đã nhanh chóng tháo gỡ những rào cản để mở rộng cánh cửa cho phát triển điện gió, điện năng lượng tái tạo nhằm nâng cao tăng trưởng cho phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam chưa được tận dụng đáng kể, trong khi năng lượng điện than tại Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn.
Một trong những thách thức lớn cho phát triển điện gió tại Việt Nam là chi phí tốn kém và vướng mắc trong khâu đấu nối vào hệ thống lưới điện truyền tải. Càng có nhiều dự án được vận hành sẽ tạo ra sự thiếu quy hoạch giữa nguồn và lưới, trong khi nguồn phát được tư nhân đầu tư và thực hiện rất nhanh thì lưới điện không kịp đáp ứng, gây ra tình trạng cắt giảm công suất của các dự án điện tái tạo.
Ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty CP Phong điện Thuận Bình cho biết, dự án Phong điện Thuận Bình đã phải cắt giảm công suất phát điện 70% và còn tiến đến cắt giảm hơn nữa do tình trạng quá tải lưới điện và đây đang là mối lo ngại chung của các nhà đầu tư.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC nhận định, muốn hiện thực hóa những mục tiêu phát triển điện gió ở Việt Nam cần một lộ trình và kế hoạch phát triển dài hạn. Nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn và ngoài vấn đề về đầu tư là sự cần thiết về các chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng tương ứng. Ông cho rằng những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra trong các giai đoạn tiếp theo là hoàn toàn khả thi.
Về mối lo ngại chi phí, ông Ben Backwell nhìn nhận : “Ngành điện gió tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, còn chưa có chuỗi cung ứng bản địa, vì vậy giá thành bị đội lên cao. Tuy nhiên tiềm năng phát triển của ngành điện gió Việt Nam trong tương lai là rất cao, khi sản lượng tăng sẽ kéo giá thành giảm xuống”.
Ngay cả những nước châu Âu, giai đoạn khởi đầu triển khai điện gió chi phí cũng rất đắt đỏ, khi sản lượng tăng lên đạt 2 GW, 3 GW đã giảm được giá thành, đồng thời sự xuất hiện của chuỗi cung ứng càng thúc đẩy giá thành giảm nhanh hơn. Chính vì vậy ông nhấn mạnh Việt Nam cần có một tầm nhìn dài hạn, tăng cường thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, tạo điều kiện tối ưu cho điện gió phát triển hiệu quả.
Ông Thibault Desclee de Maredsous, Giám đốc tiếp thị Công ty GE Renewable Energy cho rằng, Việt Nam đã xây dựng lộ trình về phát triển năng lượng tái tạo với tham vọng rất lớn, nhưng cần có khung khổ pháp lý và các chính sách để có thể đạt được các chỉ tiêu. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải đảm bảo có năng lực cạnh tranh về cơ sở năng lượng tái tạo, như năng lượng gió ngoài khơi và điện gió trên bờ để có thể phát triển hơn nữa các dự án điện gió, cũng như tăng tỷ lệ và quy mô của năng lượng điện tái tạo trong tổng sơ đồ điện của Việt Nam.
Tại Hội nghị Điện gió Việt Nam lần thứ 2 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất chính sách nhằm phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng trong tương lai; trong đó có các cơ chế, mô hình phù hợp nhằm huy động đa dạng các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nguồn vốn tư nhân trong nước cũng như nước ngoài.