Điện gió vẫn là 'miếng bánh ngon', hàng chục tỷ USD đang xếp hàng chờ đầu tư
Cùng với sự phát triển 'bùng nổ' của lĩnh vực năng lượng tái tạo, những năm gần đây, điện gió thu hút nhiều nhà đầu tư trong vàng ngoài nước tham gia nghiên cứu và đầu tư phát triển với quy mô đa dạng.
Nhiều dự án điện gió vẫn đang xếp hàng chờ phê duyệt.
Đặc biệt, nhờ Quyết định 39/2018/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, nên lĩnh vực này được đánh giá là “miếng bánh ngon” với sự tham gia của nhiều ông lớn trong và ngoài nước.
Theo Quyết định 39, mức giá mua điện gió được thực hiện theo phương thức giá cố định (FIT), với dự án điện gió trên biển là 9,8 UScent/kWh và trên bờ là 8,5 UScent/kWh, trong thời gian 20 năm và áp dụng cho các phần công suất vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc chính sách ưu đãi dự án điện gió, vì thế, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn “chạy nước rút” để dự án về đích trước thời hạn này.
Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Mã CK: REE) có 3 dự án điện gió gồm 1 dự án ngoài khơi V1.3 tại Trà Vinh với tổng vốn đầu tư 87 triệu USD, 2 dự án điện gió trên bờ được phát triển ở Thuận Bình (Phú Lạc 2, Lợi Hải 2) với tổng vốn đầu tư dự kiến 80 triệu USD. Cả 3 dự án này đang được doanh nghiệp tập trùn hoàn thiện.
Còn Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) xác định, năm nay là giai đoạn nước rút với 3 nhà máy điện gió, công suất gần 600 MW. Trong đó, tháng 4/2021, Trung Nam Group đã khánh thành Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận với tổng công suất 151,95 MW.
Tại Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 PECC2 (Mã CK: TV2), Nhà máy điện gió Tân Thuận đang hoàn các công đoạn để đưa nhà máy vận hành trước ngày 31/10/2021.
Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam Gelex (Mã CK: GEX) cũng đã và sẽ huy động vốn trái phiếu để rót vốn vào 5 dự án điện gió tại Quảng Trị bao gồm: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 với công suất khoảng 50 MW; Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 với công suất mỗi nhà máy 30 MW. Doanh nghiệp đặt kế hoạch cho các dự án trang trại điện gió mới sẽ đi vào hoạt động trước tháng 11/2021.
Đối với điện gió ngoài khơi, Việt Nam hiện đang là quốc gia đang dẫn đầu Đông Nam Á về điện gió ngoài khơi. Loạt dự án có vốn đầu tư hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD đang chạy đà cho thấy sức hấp dẫn của điện gió ngoài khơi Việt Nam với các nhà đầu tư.
Điển hình pphải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, quy mô 3,4 GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỷ USD (tương đương khoảng 274.000 tỷ đồng).
Hay như dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5 GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỷ USD (tầm 242.000 tỷ đồng).
Không chỉ có 2 dự án trên, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, đã có 157 dự án điện gió ngoài khơi với quy mô công suất hơn 61.000 MW được đề nghị khảo sát, phát triển dự án và bổ sung vào quy hoạch toàn quốc. Đơn cử, tại Bình Thuận, các dự án điện gió ngoài khơi đề nghị bổ sung quy hoạch lên tới 22.000 MW.
Nhiều dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có quy mô tới hàng tỷ USD đã được các nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới và chờ chính sách để hiện thực hóa.
Cách đây hơn một tháng, đại gia năng lượng Đan Mạch - Tập đoàn Orsted cho biết chọn Việt Nam là điểm đầu tư tiếp theo vào điện gió ngoài khơi, sau loạt dự án thành công tại châu Á. Dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận đang được doanh nghiệp này nhắm tới.
Theo các chuyên gia, với lợi thế đường biển dài hơn 3.000 km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên cao, đặc biệt vùng phía Nam tốc độ gió trung bình ở độ cao 100 m đạt hơn 7-10 m trên giây... là những lý do khiến Việt Nam nổi lên là trung tâm điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, với việc các ưu đãi theo Quyết định 39 sắp hết hạn, vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đối với các dự án điện gió đang được đặt ra.
Được biết, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch nghiên cứu, xác định lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam để nhanh chóng có các chính sách phù hợp.