Điện hạt nhân chưa gì thay thế được, đến lúc Việt Nam cần
Để đảm bảo an ninh năng lượng, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần nghĩ đến một loại hình năng lượng chưa gì thay thế được, đó là là điện hạt nhân.
Cần nghĩ đến điện hạt nhân
Tại diễn đàn năng lượng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có ý kiến liên quan đến điện hạt nhân ở Việt Nam.
Dù Quốc hội đã dừng việc làm điện hạt nhân, nhưng ông Nguyễn Quân cho rằng: Các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, chúng ta đang phải nhập khẩu than, sắp tới nhập khí hóa lỏng. Nhiệt điện cũng rất nhiều vấn đề, người dân nhiều nơi phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm. Thủy điện đã hết nguồn công suất vừa và lớn.
“Điện tái tạo rất giàu có nhưng hiệu quả thấp và không ổn định. Dù ta có nhiều điện mặt trời, điện gió thì phụ tải nền không thể trông cậy vào năng lượng tái tạo được”, ông Nguyễn Quân đánh giá.
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo an an năng lượng, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần nghĩ đến một loại hình năng lượng chưa gì thay thế được, đó là là điện hạt nhân.
“Vì một số lý do, trước mắt chúng ta phải dừng (điện hạt nhân), nhưng về lâu dài tôi lo 1 ngày nào đó chúng ta phải quay trở lại với điện hạt nhân”, ông Quân chia sẻ.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần đã hủy bỏ chương trình điện hạt nhân, đóng cửa hơn 50 nhà máy. Nhưng một ngày nào đó họ sẽ phải phát triển trở lại điện hạt nhân với công nghệ an toàn hơn, mức độ tự động hóa và hiệu quả cao hơn.
“Ở Việt Nam, chúng ta vẫn phải chuẩn bị phương án, cứ cho là phương án xấu nhất, là phát triển điện hạt nhân”, ông Nguyễn Quân nói.
Dù vậy, ông Quân cũng cho rằng thời điểm hiện nay chưa có cơ sở nào để Việt Nam “làm điện hạt nhân an toàn và bền vững”. Vậy nên vị này bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng nhanh chóng trung tâm kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu do Nga giúp đỡ thay thế cho là phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt.
Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, đây không chỉ là nơi nghiên cứu mà còn là nơi đào tạo nguồn cán bộ cho ngành hạt nhân của Việt Nam.
“Đứng ở góc độ khoa học công nghệ, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về công nghệ hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam rất hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích. Cho nên cần sớm đưa vào trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân mới không chỉ phục vụ nghiên cứu, mà còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để một ngày nào đó ta có làm điện hạt nhân thì có cán bộ đủ năng lực, trình độ”, ông Nguyễn Quân nhấn mạnh.
"Không có điện mới chết"
Chia sẻ với nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nên đề xuất cho làm lại điện nguyên tử bởi “không có điện mới chết”.
Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bày tỏ: Điện hạt nhân là vấn đề lớn của đất nước. Ban kinh tế Trung ương đang được chỉ đạo có nghiên cứu để tham mưu với Đảng, Chính phủ ra chính sách phù hợp với sự phát triển năng lượng nói chung, trong đó có điện hạt nhân, làm sao đáp ứng nhu cầu năng lượng đất nước và giải quyết nhiều vấn đề khác mà xã hội quan tâm.
Mới đây, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng kiến nghị Chính phủ xem xét lại và sớm có chủ trương tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân. Tiếp tục đưa điện hạt nhân vào trong định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia mới, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và xây dựng Quy hoạch điện VIII.
Ông Nguyễn Quân cũng lưu ý: Riêng điện hạt nhân, đừng bao giờ để nước ngoài làm theo phương thức khoán gọn, chìa khóa trao tay.
“ĐIều này cực kỳ nguy hiểm, vì không chỉ liên quan an ninh năng lượng mà còn là an ninh quốc gia. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 bây giờ, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng trăm ngàn cây số, thậm chí từ không gian”, ông Quân cảnh báo và nhấn mạnh có thể mời nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để làm an toàn và người vận hành phải là người Việt Nam.
Ngoài ra, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân lưu ý không nên dừng lại chương trình đào tạo cán bộ vận hành điện hạt nhân, mà nên tiếp tục. Bởi đội ngũ này không chỉ phục vụ điện hạt nhân mà còn cho tất cả lĩnh vực kinh tế khác có sử dụng năng lượng hạt nhân.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hai dự án sẽ được khởi công vào năm 2020 chậm hơn 6 năm dự kiến.
Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, dự án sau đó phải lùi địa điểm đã chọn vào đất liền sâu hơn, công trình được nâng lên để bảo đảm an toàn.
Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.
Đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vì lý do kinh tế.