Điển hình làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số

'Để có được xã, huyện nông thôn mới (NTM) thì phải có các thôn, làng NTM' là quan điểm của Tỉnh ủy Gia Lai, được người dân rất đồng tình, ủng hộ. Từ năm 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện mô hình 'Làng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)'. Đến nay, mô hình đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xác định chủ trương đúng, kiên trì vận động

Chúng tôi đến xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai), khi con đường bê tông rộng rãi nối liền các làng tái định cư (làng Pông, Hek, Trớ và King Pêng) mới hoàn thành, thay cho con đường đất sình lầy. Điều cảm nhận rõ ràng nhất ở đây là công tác quy hoạch, bố trí dân cư, sắp xếp lại nhà cửa tại 4 làng tái định cư đã được huyện Phú Thiện triển khai bài bản, khoa học, hợp lý. Nhà rông-không gian văn hóa của làng được đặt ở vị trí trung tâm, những con đường giữa các khu được trải phẳng, bê tông hóa và chia khu dân cư thành ô bàn cờ.

Ít ai biết rằng, 5 năm trước, làng Pông còn nằm trên đỉnh đồi, bên cạnh dãy núi Chư A Thai; còn làng Hek cũng nằm sâu trong núi, cách trung tâm xã hơn 10km. Ngày ấy, đồng bào Ba Na, Gia Rai trong làng vẫn còn giữ những phong tục, tập quán lạc hậu. Bà con sinh sống trên núi cao nên hầu như không giao tiếp với môi trường bên ngoài, kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, trẻ em không đến trường, mắc bệnh thì chữa bằng lá cây rừng...

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 giúp người dân làng Hek, xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai) di dời nhà về nơi tái định cư. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 giúp người dân làng Hek, xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai) di dời nhà về nơi tái định cư. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình xây dựng làng NTM vùng đồng bào DTTS ở Gia Lai, đồng chí Phạm Thị Lan, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Gia Lai nhớ lại: "Để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã (KT-XH) hội 4 làng, gồm: Pông, Hek, Trớ và King Pêng. Theo đề án, huyện Phú Thiện chọn làng Pông để thực hiện thí điểm, mỗi hộ dân sẽ được cấp 600m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở, 200m2 đất vườn; các đơn vị quân đội trên địa bàn giúp dân di chuyển nhà ở về nơi tái định cư. Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ làm đường, làm nhà vệ sinh và làm hàng rào quanh nhà... Sau làng Pông, UBND huyện Phú Thiện tiếp tục triển khai thực hiện tái định cư, ổn định cuộc sống cho đồng bào các làng còn lại trong đề án".

Đến nay, sau hơn 3 năm tái định cư, làng Pông khoác lên mình diện mạo mới. Những hộ trước đây nhà cửa xiêu vẹo thì nay đã có cơ ngơi khang trang, rộng rãi, nhận thức được nâng cao, kinh tế phát triển hơn hẳn. Để bà con chấp thuận di dời từ trên núi cao về sinh sống tập trung tại khu tái định cư, cửa nhà quay ra mặt đường, có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh... là cả sự kiên trì, nỗ lực không biết mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động.

Hướng về cơ sở, hoạt động thiết thực

Việc xây dựng NTM với cách làm phù hợp là điều kiện rất quan trọng để phát triển KT-XH của từng địa phương, cũng như góp phần bảo tồn bản sắc riêng cho vùng, miền. Từ thành công với “phép thử” của làng Pông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai quyết định thực hiện mô hình “Làng NTM trong đồng bào DTTS” trên địa bàn toàn tỉnh. Với quan điểm hướng về cơ sở, lấy sự phát triển của các thôn, làng làm thước đo phát triển KT-XH của địa phương, ngày 13-2-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS. Đây là mô hình mang đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên, gắn với lộ trình phấn đấu xã đạt chuẩn NTM.

Sau hơn hai năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, làng NTM đã dần lan tỏa ra toàn tỉnh, đến tháng 7-2020, Gia Lai đã có hơn 40 làng của đồng bào DTTS đạt chuẩn làng NTM theo bộ tiêu chí do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng. Diện mạo của các làng đồng bào DTTS có nhiều thay đổi tích cực, đã triển khai bố trí quy hoạch lại khu dân cư, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn người dân được nâng lên rõ rệt. Đa số các làng đều có 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học mầm non và tiểu học; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 85%, một số làng đạt 100%. Sinh hoạt, tập quán của đồng bào từng bước thay đổi theo hướng văn minh, 100% làng được công nhận là “Làng văn hóa”.

Đồng chí Tống Thới Mốc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng, xây dựng các làng NTM đồng nghĩa với việc phải xây dựng được nếp sống mới, là phải thay đổi được nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS. Những hủ tục lạc hậu cần xóa bỏ hoàn toàn, nhưng vẫn phải lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, lưu giữ được hồn cốt văn hóa của đồng bào.

Để người dân chủ động, tự tin tham gia xây dựng NTM, MTTQ phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp của tỉnh thực hiện tốt Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Năm 2019, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy và xây dựng cuốn sổ tay thực hiện cuộc vận động, cấp cho các đồng chí làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, MTTQ tỉnh Gia Lai đã cấp hơn 11.000 cuốn sổ tay cho cán bộ tuyên truyền các cấp.

Thực hiện cuộc vận động, nhiều mô hình, câu lạc bộ được thành lập như: “Phụ nữ DTTS tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng”, “Gia đình không có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái”... Về cơ bản, cuộc vận động đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương vùng đồng bào DTTS. “Thực hiện tốt cuộc vận động chính là điều kiện quan trọng để Gia Lai ngày càng có nhiều làng NTM”, đồng chí Phạm Thị Lan khẳng định với chúng tôi.

Từ thành công của tỉnh Gia Lai trong xây dựng làng NTM vùng đồng bào DTTS phù hợp với điều kiện thực tế gợi mở nhiều vấn đề để các địa phương trong cả nước có thể học tập, làm theo. Ở những thôn, làng từng là "lõi nghèo", là nơi khó khăn nhất thì nay làng NTM hiện hữu và lan tỏa, trở thành điểm sáng để các địa phương có thêm nhiều xã, huyện NTM.

MINH MẠNH - DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dien-hinh-lang-nong-thon-moi-vung-dan-toc-thieu-so-635075