Điện khu chuyển đổi vẫn yếu

Dù đã được hình thành từ lâu nhưng chất lượng điện ở một số khu chuyển đổi vẫn yếu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ông Trần Quang Được ở khu chuyển đổi thôn An Thượng, xã Nam Chính (Nam Sách) dự định sẽ đầu tư mở rộng sản xuất khi nguồn điện ổn định

Ông Trần Quang Được ở khu chuyển đổi thôn An Thượng, xã Nam Chính (Nam Sách) dự định sẽ đầu tư mở rộng sản xuất khi nguồn điện ổn định

Cung vượt cầu

Khu chuyển đổi thôn An Thượng, xã Nam Chính (Nam Sách) được hình thành từ năm 2004 hiện có gần 10 hộ đang canh tác. Các hộ xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp đào ao thả cá. Khi nhận đất, các hộ phải kéo điện một pha phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lúc đầu ít hộ, nhu cầu sử dụng điện chưa nhiều nên nguồn điện tương đối ổn định. Sau này, nhiều hộ mở rộng sản xuất, chăn nuôi nên cần các thiết bị hỗ trợ như máy bơm, quạt thông gió... Vì vậy, lượng điện tiêu thụ tăng cao dẫn tới tình trạng điện yếu. "Nếu muốn bật máy bơm sục khí cho cá, chúng tôi phải dậy sớm, nhà nào bật trước thì còn đủ điện dùng", ông Trần Quang Được ở thôn An Thượng cho biết.

Ở thôn An Thượng còn có 2 máy bơm nước tưới tiêu phục vụ cánh đồng của xã. Những hôm máy bơm hoạt động, điện ở khu vực chuyển đổi càng yếu. Nhà ông Được có 2 ao thả cá rộng gần 2 mẫu và hiện còn 4 gian chuồng nuôi khoảng 40 con lợn. Ông Được cần nguồn điện ổn định để chạy máy bơm tạo khí cho cá và quạt thông gió cho lợn. Năm 2020, ông phải tự đầu tư hơn 50 triệu đồng để lắp đặt đường điện 3 pha về dùng. Do khu chuyển đổi nằm cuối đường dây nên chất lượng điện kém hơn các nơi khác trong xã. Hiện mới có 3 hộ tự kéo đường điện 3 pha để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các hộ còn lại vẫn dùng điện một pha nên điện rất yếu.

Qua khảo sát tại một số khu chuyển đổi khác, tình trạng điện yếu vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các khu chuyển đổi nằm xa khu dân cư, cuối đường dây nên ảnh hưởng đến chất lượng điện. Đường điện không được đầu tư đồng bộ, dây điện sau công tơ do người dân tự đầu tư nên chất lượng không bảo đảm. Điện ở khu chuyển đổi chủ yếu là điện một pha, chỉ đủ phục vụ sinh hoạt hoặc sản xuất nhỏ. Khi các hộ mở rộng sản xuất, nhu cầu điện tăng đã ảnh hưởng tới chất lượng điện. Mặt khác, phần lớn các hộ sản xuất đều ăn nghỉ tại khu chuyển đổi nên phải lắp thêm điều hòa, tủ lạnh, tivi, máy giặt... khiến nhu cầu dùng điện sinh hoạt cũng tăng.

Một nguyên nhân nữa là việc đầu tư hệ thống lưới điện chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều địa phương, việc cung cấp điện vẫn do các công ty tư nhân quản lý. Nhiều đơn vị không đủ năng lực nên việc đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện là một bài toán khó... Theo ông Nguyễn Giang Nam, Chủ tịch UBND xã Đại Đức (Kim Thành), việc đa dạng các đơn vị cung ứng điện cũng tạo thuận lợi. Nhưng xét về khía cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thì chắc chắn các đơn vị tư nhân khó có thể có nguồn lực để làm tốt việc này.

Sớm đầu tư đồng bộ

Thực tế cho thấy các khu chuyển đổi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Đầu tư cho các khu chuyển đổi để phát huy tối đa nguồn lực là chủ trương lớn, nhưng đầu tư hệ thống lưới điện lại vượt quá khả năng của nhiều địa phương. Nhiều khu chuyển đổi được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hệ thống lưới điện đã tạo thuận lợi cho các hộ dân trong vùng.

Khu nuôi thủy sản tập trung xã Đại Đức đã được đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Khu hiện có 16 hộ dân đang tham gia sản xuất với tổng diện tích hơn 60 ha. Năm 2020, dự án cải tạo khu nuôi thủy sản này được triển khai xây dựng do nguồn vốn ngân sách hỗ trợ. Toàn bộ hệ thống lưới điện ở khu chuyển đổi đã được cải tạo với tổng kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Nhờ vậy chất lượng điện đã được nâng cao, giúp các hộ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở vùng chuyển đổi, các đơn vị cung cấp điện cần quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện. Sở Công thương cần kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp điện tư nhân, nhất là các đơn vị không đủ năng lực, có thể sớm bàn giao về cho ngành điện để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đối với các đơn vị vẫn đủ năng lực cần thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, yêu cầu nâng cấp, sửa chữa khi cần thiết để bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng điện.

TUẤN LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/dien-khu-chuyen-doi-van-yeu-180078