Điền kinh đợi vé đặc cách
Việc tổ chạy tiếp sức hỗn hợp 400m không thể đến Ba Lan dự giải thế giới diễn ra vào đầu tháng 5 này khiến điền kinh Việt Nam hầu như không còn cơ hội đến Olympic Tokyo bằng suất trực tiếp. Như vậy, sau 2 kỳ Olympic liên tiếp được tham dự bằng vé trực tiếp, lần này nhiều khả năng điền kinh Việt Nam sẽ phải chờ suất đặc cách.
VĐV Nguyễn Thị Huyền cùng các đồng đội lỡ cơ hội dự Giải vô địch các nội dung hỗn hợp thế giới vì dịch Covid-19. Ảnh: Quý Lượng
Khó khăn mang tên Covid-19
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều giải đấu có tính chuẩn dự Olympic Tokyo bị hoãn, hủy. Gần cuối năm 2020, Liên đoàn Điền kinh thế giới đã điều chỉnh mốc thời gian các giải đấu, theo đó sẽ chỉ tính thành tích các giải đấu diễn ra từ 1-12-2020 đến 29-6-2021 để xét chuẩn dự Olympic Tokyo 2020.
Cách lấy mốc thời gian xét chuẩn trên không ảnh hưởng đến hành trình giành vé dự Olympic Tokyo tới của điền kinh Việt Nam. Đơn giản vì đến lúc đó, điền kinh Việt Nam chưa giành vé dự Olympic 2020. Thành tích ấn tượng nhất của điền kinh Việt Nam cho đến lúc đó vẫn là của đội tiếp sức hỗn hợp 400m với 3 phút 19 giây 50, tạm xếp hạng 17 thế giới, kém gần 1 giây so với đội xếp hạng 16 là Nhật Bản. Trong khi đó, đội xếp hạng 16 thế giới sẽ giành vé dự Olympic Tokyo.
Ngoài thành tích của đội tiếp sức hỗn hợp 400m, điền kinh Việt Nam hầu như không còn cơ hội tranh vé trực tiếp dự Olympic Tokyo tới ở những nội dung khác. Như ở nội dung 400m, thành tích tốt nhất (52 giây 80) trong năm 2019 của Nguyễn Thị Huyền - từng giành vé trực tiếp dự Olympic năm 2016 ở nội dung 400m, 400m rào, vẫn còn kém chuẩn A dự Olympic tới gần 2 giây. Còn thành tích 400m rào (56 giây 90) của Nguyễn Thị Huyền cũng kém xa chuẩn A dự Olympic 2020 là 55 giây 40. Trong khi đó, thành tích nội dung 400m rào của Quách Thị Lan dù là 56 giây 10, đủ để vô địch châu Á nhưng vẫn kém chuẩn A Olympic Tokyo tới 0,70 giây - khoảng cách rất khó san lấp trong thời gian ngắn với nội dung 400m hay 400m rào.
Cho nên, ngay từ cuối năm 2020, điền kinh Việt Nam xác định chỉ có tổ 400m hỗn hợp có nhiều cơ hội nhất để dự Olympic Tokyo. Quan trọng nhất là nhóm VĐV này phải có cơ hội thi đấu để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng thế giới, ít nhất là vươn lên vị trí thứ 16 thế giới. Cơ hội duy nhất để nhóm 400m hỗn hợp cải thiện thứ hạng chính là giải đấu diễn ra tại Ba Lan từ ngày 1 đến 2-5.
Tuy nhiên, khi các giải đấu trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở nhiều nước thì những khó khăn khách quan vẫn tìm đến với điền kinh Việt Nam. Việc di chuyển đi - về từ Ba Lan thực sự là bài toán khó, trong đó khó nhất là tìm chuyến bay từ Ba Lan về Việt Nam. Việc không có chuyến bay thương mại đã khiến điền kinh Việt Nam bó tay trước bài toán di chuyển chặng về cho đội tuyển khi giải kết thúc (ngày 2-5).
Như xác nhận của phụ trách bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao) Dương Đức Thủy thì đội 400m hỗn hợp hầu như không còn cơ hội giành vé dự Olympic Tokyo tới.
Tìm người xứng đáng nhận vé đặc cách
Hai kỳ Olympic gần đây, điền kinh Việt Nam đều có VĐV tham dự bằng suất trực tiếp. Ở Olympic năm 2012 là Nguyễn Thanh Phúc (đi bộ), Dương Thị Việt Anh (nhảy xa), còn ở Olympic 2016 là Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào).
Đến lúc này, chỉ có phép lạ mới giúp điền kinh Việt Nam giành vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo. Thế nên, bài toán hiện tại với các nhà quản lý, chuyên môn là chọn VĐV tham dự Olympic Tokyo tới theo diện đặc cách từ Ủy ban Olympic quốc tế. Ông Dương Đức Thủy cho hay, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ không giành vé trực tiếp sẽ được cử 1 nam, 1 nữ tham dự môn điền kinh ở Olympic Tokyo tới. Đến lúc này, cần phải cân nhắc kỹ tiêu chí chọn lựa.
Theo ông Dương Đức Thủy, không hẳn cứ là VĐV có thành tích tốt thì sẽ được tham dự theo suất này. Có thể đó là VĐV trẻ, có tiềm năng phát triển trong tương lai và đặc biệt là luôn thể hiện khát vọng vươn lên. Bởi xét cho cùng, VĐV có thành tích tốt nhất ở nội dung cụ thể nào đó của điền kinh Việt Nam cũng khó làm nên chuyện ở đấu trường Olympic. Nếu chọn VĐV trẻ, họ sẽ có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, rèn bản lĩnh để vững vàng tại những sân chơi như SEA Games hay ASIAD - những mục tiêu vừa sức với điền kinh Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Lại Phúc Lộc, Phó Giám đốc, phụ trách môn Điền kinh (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) cũng cho rằng, với việc nhận vé đặc cách dự Olympic tới, cần cân nhắc kỹ để tìm ra VĐV xứng đáng. Quan trọng là người nhận vé thuyết phục được giới chuyên môn về khát vọng, ý chí, góp phần mang lại hình ảnh tích cực cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic.
Có thể nói, điền kinh Việt Nam đã trải qua hành trình tranh vé dự Olympic không may mắn. Nhưng rõ ràng, vẫn còn nhiều việc ở phía trước cần thực hiện. Bắt đầu từ việc chọn người xứng đáng nhận vé đặc cách dự Olympic Tokyo tới (nếu xảy ra điều này) đến việc tiếp tục tổ chức cho VĐV rèn luyện kỹ càng để phô diễn khả năng tại SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam, nơi các tuyển thủ sẽ không phải đối mặt với vấn đề di chuyển như từng xảy ra ở vòng loại Olympic Tokyo.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/997753/dien-kinh-doi-ve-dac-cach