Điền kinh Việt Nam - không có bột khó gột nên hồ
Trong 2 thập niên, điền kinh Việt Nam chưa bao giờ đứng trước nhiều khó khăn như hiện tại. Bước chững lại của điền kinh Việt Nam có thể kéo dài thêm một vài năm nữa, khi lứa VĐV hàng đầu luống tuổi và xuống phong độ, trong khi số gương mặt trẻ nổi trội lại không nhiều.
Quá khứ vàng son
Làm thế nào để định nghĩa về một đội tuyển thể thao mạnh tại Việt Nam? Số HCV SEA Games, huy chương ASIAD hay suất tham dự Olympic? Trong quá khứ, điền kinh hội tụ đủ 3 nhân tố này. Đó cũng là khoảng thời gian điền kinh Việt Nam sở hữu nhiều VĐV nổi tiếng không hề thua ngôi sao bóng đá.

Bùi Thị Thu Thảo là VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên vô địch ASIAD.
Với những người hâm mộ thể thao, VĐV nhảy cao Bùi Thị Nhung vẫn là cái tên gợi mở lại một số kỷ niệm đẹp. Cô gái nhỏ nhắn người Hải Phòng từng giành HCV giải điền kinh vô địch châu Á, đứng hạng 4 chung cuộc ở ASIAD 2006. Đặc biệt hơn, mức xà 1m94 Bùi Thị Nhung chinh phục 20 năm trước đến giờ vẫn là kỷ lục với một VĐV Việt Nam.
Bên cạnh Bùi Thị Nhung, nhiều VĐV điền kinh nổi tiếng của Việt Nam hai thập niên trước còn có Nguyễn Đình Cương, Phạm Đình Khánh Đoan, Đỗ Thị Bông. Họ đều là những gương mặt từng vô địch SEA Games, cũng như mở đầu cho giai đoạn vươn ra quốc tế. Từ đó, thành tích của điền kinh Việt Nam liên tục có những dấu mốc lịch sử.
Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện; rồi sau đó là Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan đã nâng tầm điền kinh Việt Nam lên cột mốc mới. Họ đã giúp Việt Nam soán ngôi Thái Lan để giành vị trí số 1 Đông Nam Á tại một số kỳ SEA Games. Ngoài ra, đây cũng là thế hệ VĐV Việt Nam đầu tiên chinh phục HCV ASIAD.
Những tấm huy chương SEA Games và ASIAD của điền kinh Việt Nam trong 15 năm qua thật đáng quý, vì nó diễn ra trong thời điểm môn thể thao này chứng kiến sự chuyển mình chưa từng có. Đó là khoảng thời gian điền kinh châu Á chứng kiến VĐV nhập tịch xuất hiện tràn lan. Những VĐV này có thể chất cùng thành tích vượt trội.
Bahrain, Qatar, Saudi Arabia và nhiều nước Trung Đông liên tục nhập tịch VĐV từ châu Phi. Họ không chỉ càn quét ASIAD mà còn cạnh tranh huy chương vàng Olympic. Philippines cũng tiến hành nhập tịch nhiều VĐV từ Mỹ giữa hai kỳ SEA Games họ đăng cai tổ chức. Không ít người trong số đó từng tham dự đội tuyển Mỹ.
Trong bối cảnh VĐV nhập tịch tràn ngập khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á nói chung, điền kinh Việt Nam vẫn có vị thế nhất định. Đây là minh chứng cho thấy dàn VĐV điền kinh trong quá khứ của Việt Nam không chỉ có nhiều VĐV xuất sắc; họ còn thuộc những thế hệ tiếp nối nhau, tạo thành lực lượng kế cận giàu truyền thống.
3 lần liên tiếp đứng nhất toàn đoàn ở các kỳ SEA Games (2017, 2019, 2022) là cách Việt Nam xây chắc vị thế. Điểm giữa khoảng thời gian huy hoàng này còn có 2 HCV ASIAD của Bùi Thị Thu Thảo và Quách Thị Lan. Nhưng kể từ đó, thành tích của điền kinh Việt Nam dần không duy trì như trước, thậm chí có biểu hiện bước xuống dốc...
Dải ngân hà tắt sáng
Những dấu hiệu bất ổn của điền kinh Việt Nam, trên thực tế, đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2022. Ít ngày trước kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà, VĐV Lê Tú Chinh được xác nhận không thể tranh tài vì gặp chấn thương nghiêm trọng. Tú Chinh là VĐV chạy nước rút xuất sắc nhất Việt Nam giai đoạn 2016-2020, được xem như truyền nhân của Vũ Thị Hương.
Câu chuyện về chấn thương của Tú Chinh đã không gây chú ý quá nhiều, trong bối cảnh Việt Nam chứng kiến cơn mưa vàng tại SEA Games. Nhưng điều này một lần nữa được khơi lại khoảng 18 tháng trước, thời điểm Shanti Pereira, VĐV người Singapore giành 1 HCV và 1 HCB ASIAD. Shanti Pereira trước đây thường chỉ về sau Tú Chinh, nhưng giờ cô vượt quá xa.
Sau khi Tú Chinh gặp chấn thương và không còn giữ được phong độ đỉnh cao, điền kinh nữ Việt Nam có một chân chạy ngắn khác nổi lên là Trần Thị Nhi Yến. Tuy nhiên, sự thật là Nhi Yến vẫn chưa thể lấp vào khoảng trống mà đàn chị để lại. Điều đó thể hiện từ các thông số, cũng như huy chương ở cấp độ quốc tế của Nhi Yến.
Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan cũng không còn giữ được phong độ đỉnh cao khi đã luống tuổi. Trong trường hợp của Quách Thị Lan, việc phải nghỉ thi đấu một năm vì doping càng khiến cô gặp khó khăn nhiều hơn. Quách Thị Lan hiện đã trở lại thi đấu, nhưng thật khó để kỳ vọng vào việc cô đạt thành tích tốt ở các giải đấu quốc tế như trước.
Thời kỳ hoàng kim của điền kinh Việt Nam khép lại, với phát súng mở đầu là SEA Games 32. Tại kỳ Đại hội diễn ra trên đất Campuchia, điền kinh Việt Nam chính thức mất vị trí nhất toàn đoàn vào tay Thái Lan. Đến Á vận hội Hàng Châu, điền kinh nhận kết cục phũ phàng: trắng tay!
Trước thềm ASIAD tại Trung Quốc, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành 1 HCV và 1 HCĐ. Tấm HCV được dự đoán ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ tưởng như có cơ sở, khi Việt Nam vô địch tại giải tiền ASIAD. Nhưng khi bước vào giải đấu, những đội tuyển như Bahrain, Ấn Độ và Sri Lanka mới phô bày sức mạnh thực sự.
Từ một đội tuyển giành 2 HCV tại ASIAD trước đó, cũng như được kỳ vọng có 1 HCV trên đất Trung Quốc, điền kinh Việt Nam rời giải mà không có huy chương nào. Đó thực sự là cú sốc ngay cả với những nhà quản lý, nhưng nó vô tình biến một kết quả khác trở nên hợp lý. Đến Olympic Paris, điền kinh Việt Nam không có VĐV nào đạt chuẩn A Thế vận hội.
Đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam tại Olympic Paris, VĐV Trần Thị Nhi Yến, tham dự theo suất vé mời đặc cách. Đây là tấm vé đảm bảo mỗi quốc gia đều có 1 đại diện thi đấu môn thể thao nữ hoàng tại Thế vận hội. Trên thực tế, Nhi Yến đã cố gắng, nhưng thành tích của cô vẫn còn lép vế khá nhiều so với những đối thủ hàng đầu.

Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền không có đàn em kế cận khi họ qua thời đỉnh cao.
Thành tích đi xuống vì thu nhập đi lên?
Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến thành tích của điền kinh Việt Nam đi xuống nhanh chóng. Thứ nhất, các quốc gia trong khu vực và châu lục đã nắm bắt rất nhanh cơ hội phát triển. Họ không nhập tịch VĐV theo hướng ăn xổi thành tích như trước. Thay vào đó, các đội tuyển này nhập tịch VĐV trẻ, đào tạo họ bài bản để hưởng thành quả lâu dài.
Thứ hai, quãng thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19 khiến nhiều VĐV không có cơ hội tập luyện, duy trì thể trạng. Với VĐV thể thao đỉnh cao, một khi thể trạng và phong độ đã đi xuống, họ có thể mất nhiều thời gian hơn để lấy lại. Nhưng trên thực tế, hai nhân tố trên không thể phủ nhận một sự thật khác: Điền kinh Việt Nam đang thiếu VĐV kế cận.
Trong khi Thái Lan, Singapore, Philippines liên tục trình làng nhiều gương mặt mới sáng giá, điền kinh Việt Nam vẫn sử dụng những con người cũ. Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh đã cày ải ở đội tuyển quốc gia trên dưới 10 năm. Cách thức tập luyện, quản lý của đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng không có nhiều biến chuyển theo thời gian.
Ở thời điểm những VĐV như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo đi xuống về mặt phong độ, điền kinh Việt Nam chưa có người thay thế họ. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến thành tích chung của đội tuyển đi xuống. Nhưng đâu là lý do khiến VĐV trẻ của Việt Nam không còn như trước? Đáp án có thể khiến nhiều người bất ngờ.
20 năm trước, câu chuyện Bùi Thị Nhung được Hải Phòng trao tặng một suất đất xây nhà từng gây nhiều tranh cãi. Phần thưởng này thực sự khác biệt so với mức thu nhập chung của VĐV thời điểm ấy so với xã hội. Nhưng giờ đây, những VĐV điền kinh dễ kiếm tiền hơn trước thông qua một số giải đấu phong trào có hướng chuyên nghiệp hóa.
Tại sao VĐV phải "cày cuốc" và nhận lương ở đội tuyển quốc gia, khi họ có thể nhận khoản thu nhập tương tự từ việc tham dự một giải phong trào? Cơ hội kiếm tiền với VĐV giờ đây dễ hơn, nhiều hơn hẳn so với trước đây. Đó dường như khiến VĐV mất dần động lực vượt khó, nơi mục tiêu "khó hơn" như ASIAD, Olympic trở thành ưu tiên cuối cùng.
Xây dựng biểu tượng để tìm nhân tố mới
Theo ông Dương Đức Thủy, nguyên HLV trưởng Đội tuyển điền kinh quốc gia, nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh, hiện tại số lượng VĐV trẻ có tố chất tốt muốn theo đuổi điền kinh không nhiều. Điều này hoàn toàn khác với quá khứ, nơi điền kinh Việt Nam từng chứng kiến số lượng VĐV, học viên trẻ gia tăng đột biến trong giai đoạn 2005-2010.
Từ góc độ khách quan, một trong những nguyên nhân khiến điền kinh Việt Nam không có nhiều VĐV tố chất tốt như trước là xu thế chung với nhiều môn thể thao. Tuy nhiên, một lý do khác khiến điền kinh lép vế là bởi môn thể thao này hiện không có nhiều VĐV mang tính biểu tượng. Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh có thể sở hữu thành tích ấn tượng, nhưng không phải gương mặt đại chúng.
Những VĐV kể trên chỉ được nhắc đến nhiều mỗi khi có giải đấu quan trọng diễn ra như SEA Games. Tên tuổi họ xuất hiện trong khoảng 2 tuần lễ của giải đấu, rồi sau đó gần như biến mất hoàn toàn khỏi các phương tiện truyền thông. Điều này rất khác với trường hợp của Bùi Thị Nhung 20 năm trước, người được ví như biểu tượng của điền kinh Việt Nam.
Từ câu chuyện của Bùi Thị Nhung trong quá khứ với Nguyễn Thị Oanh hiện tại, ông Dương Đức Thủy cho rằng, điền kinh Việt Nam cần có những VĐV mới mang tính biểu tượng. Đó là nhân tố quan trọng giúp nhiều thanh thiếu niên được truyền cảm hứng, qua đó thực sự muốn theo đuổi điền kinh một cách nghiêm túc trong tương lai.