Điện Kremlin nêu kịch bản kết thúc xung đột Ukraine 'trong những ngày tới'
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7.4 khẳng định Nga hy vọng chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ kết thúc trong thời gian gần, có thể là 'trong những ngày tới', theo Sky News.
Ông Peskov nhấn mạnh hoặc là binh sĩ Nga kết thúc chiến dịch bằng cách đạt được các mục tiêu quân sự đề ra hoặc là Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận hòa bình thông qua đàm phán.
Viễn cảnh thỏa thuận hòa bình sẽ phụ thuộc lớn vào "sự nhất quán" trong lập trường của Ukraine, cũng như sự sẵn sàng của Ukraine trong việc chấp nhận các điều khoản của Nga, phát ngôn viên Peskov nói thêm trong cuộc phỏng vấn với Sky News.
Ông Peskov đồng thời nhấn mạnh những kẻ chịu trách nhiệm cho tội ác chống lại dân thường ở vùng Donbass phải bị đưa ra công lý.
Khi được hỏi về những cáo buộc chống lại Moscow liên quan đến nghi vấn thảm sát dân thường ở các thị trấn gần thủ đô Kiev – Ukraine, ông Peskov nhấn mạnh đây là những cáo buộc "vô căn cứ trắng trợn".
Cũng theo ông Peskov, Nga rất mong mỏi "một cuộc điều tra thực sự độc lập và khách quan về mọi tội ác" ở Ukraine.
Một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là tránh làm xung đột lan rộng dẫn đến Thế chiến III, ông Peskov cho biết thêm.
Ukraine từ năm 2014 đã trở thành một "trung tâm chống Nga" và bản thân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không phải là "một liên minh hòa bình", người phát ngôn Điện Kremlin nói, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chính của NATO là đối đầu Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloy Austin ngày 7.4 khẳng định trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ (SASC) rằng ông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ bỏ mục tiêu chiếm quyền kiểm soát Kiev sau khi các lực lượng Nga bị quân đội Ukraine đẩy lùi.
Theo Bộ trưởng Austin, ông chủ Điện Kremlin lúc này hướng sự chú ý đến phía Đông và phía Nam của Ukraine.
Trong một tuyên bố vào tối cùng ngày, theo đài CNN, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đến giờ đã cam kết viện trợ cho Ukraine hơn 12.000 vũ khí chống thiết giáp, 1.400 vũ khí chống máy bay cùng "hàng trăm" thiết bị không người lái.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Mỹ phê chuẩn gói viện trợ vũ khí bổ sung trị giá 100 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng viện trợ mà Washington dành cho Kiev kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự lên khoảng 1,7 tỉ USD.
Anh sắp công bố khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine và đã giới thiệu nhiều hệ thống tên lửa và xe bọc thép mới mà London tin rằng có thể giúp sức cho Kiev trong giai đoạn chiến đấu tới.
Cũng trong ngày 7.4, người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel ủng hộ một dự thảo cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Gói viện trợ mới này trị giá 500 triệu euro (540 triệu USD). Tính đến nay, EU đã nhất trí viện trợ vũ khí trị giá 1 tỉ euro cho Kiev. Số tiền này lấy từ quỹ hòa bình châu Âu trị giá 5 tỉ euro do các nước thành viên EU lập nên.
Chính phủ Mỹ áp đặt trừng phạt 3 hãng hàng không của Nga
Bộ Thương mại Mỹ ngày 7.4 cho biết Chính phủ Mỹ đã cấm hoạt động nhập khẩu đối với 3 hãng hàng không Nga gồm Aeroflot, Azur Air và Utair, vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.
Tháng Ba vừa qua, Mỹ cảnh báo các hãng hàng không này đã đi ngược lại biện pháp trừng phạt áp đặt với Nga vì đã sử dụng máy bay Boeing, cũng như việc tỷ phú Roman Abramovich, ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea (Anh), sử dụng một chiếc máy bay Gulfstream.
Các hãng hàng không Aeroflot, Azur Air và Utair của Nga bị cấm tiếp nhận hàng hóa của Mỹ trong vòng 180 ngày tới.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh Mỹ không chỉ đang loại bỏ khả năng tiếp cận các loại hàng hóa của Mỹ, mà còn việc tái xuất khẩu các mặt hàng có nguồn gốc Mỹ từ nước ngoài cho Nga.
Tuy nhiên, bộ này không thông báo các biện pháp nhằm vào tỷ phú Abramovich, người cũng là thành viên phái đoàn Nga tham gia cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, riêng Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo lệnh trừng phạt đối với một trong những công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới là Alrosa thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đưa công ty United Shipbuilding Corporation thuộc sở hữu nhà nước Nga cũng như các công ty con của nó vào danh sách đen.
Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)