Điện lực Đà Nẵng dùng từ địa phương trong hoạt động đấu thầu?
Việc yêu cầu các nhà thầu 'phải thực hiện' công tác khảo sát tại hiện trường và tham khảo ý kiến của chủ đầu tư trong hoạt dộng đấu thầu qua mạng, Điện lực Đà Nẵng cho rằng đó chỉ là từ ngữ vùng miền.
Để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đấu thầu, pháp luật đấu thầu đã có những hướng dẫn rất chi tiết về điều kiện tiên quyết để loại bỏ hồ sơ dự thầu, cách lập và đưa ra những yêu cầu trong hồ sơ dự thầu. Mới đây, theo hồ sơ phóng viên có được, tại một số gói thầu của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Điện lực Đà Nẵng) có dấu hiệu đưa ra yêu cầu làm khó nhà thầu, thậm chí là “đánh đố” nhà thầu.
Theo hồ sơ, tại gói thầu “Cung cấp vật tư thiết bị và thi công xây lắp nhà xe, nhà để máy biến áp, nhà kho, sân nền, cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng nhà để xe và cải tạo nhà kho khu vực Cầu Đỏ - ĐNPC năm 2023” do Điện lực Đà Nẵng làm chủ đầu tư, giá gói thâù12.081.009.063 VNĐ. Liên danh Công ty CP Ngọc Hưng Anh và Công ty CP Nam Vinh là đơn vị trúng thầu, giá trúng thầu là 9.952.701.761 VNĐ, thời gian thực hiện hợp đồng 400 ngày.
Tại báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu cho thấy, Công ty CP Ngọc Hưng Anh có dấu hiệu kê khai giá trị hợp đồng tương tự không giống nhau. Cụ thể, tại báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Ngọc Hưng Anh có kê khai hợp đồng tương tự Hợp đồng số 74/2019/HĐXD-BQL ngày 12/9/2019 với Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT Đà Nẵng về Xây lắp hạng mục giao thông, thoát nước, cây xanh, và điện chiếu sáng thuộc công trình Hạ tầng kỹ thuật giải quyết ngập úng KDC Đà Sơn, giá trị hợp đồng hơn 3 tỷ đồng. Đã bổ sung biên bản nghiệm thu đầy đủ; biên bản thanh lý với giá trị hoàn thành khoảng hơn 3,3 tỷ đồng, hồ sơ thanh toán và hóa đơn của Hợp đồng số 74/2019/ HĐXD-BQL ngày 12/9/2019.
Tuy nhiên, tại gói thầu Xây lắp thuộc dự án Công viên vườn dạo kết hợp bãi đỗ xe công cộng tại khu đất A2 đường Nguyễn Văn Linh do Ban quản lý công trình Xây dựng cơ bản quận Hải Châu làm chủ đầu tư, Công ty CP Ngọc Hưng Anh lại kê khai hợp đồng tương tự Hợp đồng thi công xây dựng công trình vẫn số 74/2019/HĐXD-BQL ngày 12/09/2019 giữa Ban QLDA ĐTXD Các công trình NN và PTNT Đà Nẵng và Công ty CP Ngọc Hưng Anh, giá trị Hợp đồng đã thực hiện theo kê khai: 3.734.228.000 VNĐ (Căn cứ Bảng tổng hợp giá trị khối lượng quyết toán và Hóa đơn GTGT nhà thầu đính kèm thì giá trị hợp đồng đã thực hiện tương đương 3.228.037.000 VNĐ).
Điều này đã đặt ra nghi vấn nhà thầu kê khai giá trị thực hiện không khớp nhau giữa các gói thầu, có dấu hiệu gian dối số liệu và phía Điện lực Đà Nẵng đã vô ý bỏ qua công tác kiểm tra.
Cũng tại gói thầu này, trong chương V tiêu chuẩn kỹ thuật Các công việc tiến hành chủ đầu tư có yêu cầu: “Trước khi nộp hồ sơ dự thầu, nhà thầu phải thực hiện công tác khảo sát tại hiện trường và tham khảo ý kiến của chủ đầu tư để lập phương án thi công phù hợp với công trường (là nơi làm việc của các đơn vị thuộc Chủ đầu tư) để có giá chào hợp lý”.
Việc Điện lực Đà Nẵng đưa ra quy định các nhà thầu “phải thực hiện” công tác khảo sát tại hiện trường và tham khảo ý kiến của chủ đầu tư như một “tiêu chí” trong hồ sơ mời thầu, có dấu hiệu trái với quy định của nhà nước về đấu thầu và làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Ngoài ra, tại gói thầu “Cung cấp vật tư và thi công xây lắp công trình Sửa chữa móng cột tại một số vị trí các đường dây 110kV năm 2023”, Công ty CP Cơ điện và Xây dựng Quảng Nam là đơn vị trúng thầu. Theo báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của Điện lực Đà Nẵng, nhà thầu này kê khai hợp đồng tương tự công trình cấp IV. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, tại một gói thầu khác nhà thầu này lại kê khai hợp đồng tương tự thuộc công trình Cấp III.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Nhật Thành, Trưởng phòng Quản lý đấu thầu cho biết, nội dung tại mục 3 chương V có yêu cầu nhà thầu “phải thực hiện” công tác khảo sát tại hiện trường chỉ là hướng dẫn kỹ thuật cho nhà thầu được rõ hơn. Mục này có hai nội dung là yêu cầu về kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật, đây là 1 trong nhiều nội dung của hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, giải thích từ “phải” nhiều khi là do vùng miền...
“Thực ra nhiều khi câu từ nên mấy anh đọc không hiểu, nó là từ địa phương. Còn anh đọc cái sườn của nó ngay tại chương V hồ sơ mời thầu, rồi xuống mục III thì từng nội dung nó trong đó. Chương V là chương có yêu cầu kỹ thuật và có chỉ dẫn kỹ thuật”, ông Thành cho biết.
Về việc kê khai gói thầu của Điện lực Đà Nẵng là gói thầu cấp IV nhưng ở gói thầu khác, Công ty CP Cơ điện và Xây dựng Quảng Nam lại kê khai là cấp III, ông Thành cho rằng hoàn toàn phù hợp vì trong phạm vi công việc, hạn mức công việc của mình đưa vào là cấp IV, cho nên nhà thầu họ kê khai là họ đạt cấp IV…
Khi được yêu cầu làm rõ việc kê khai chênh lệch giá trị hợp đồng giữa các gói thầu tương tự thì ông Thành lại cho rằng việc này đã được Điện lực Đà Nẵng xét chấm thầu, xét hồ sơ và đối chiếu hồ sơ theo đúng Thông tư 08 của Bộ KH&ĐT.
Việc Điện lực Đà Nẵng dùng từ “địa phương” trong hoạt động đấu thầu liệu có đúng quy định của pháp luật, khi mà các văn bản quy phạm nhà nước đều cần sự rõ ràng, mạch lạc và chuẩn “phổ thông”? Số liệu giá trị hợp đồng tương tự có sự “vênh nhau” liệu có đang thể hiện sự gian dối trong kê khai của nhà thầu hay không, điều này rất cần được làm rõ.