Một cánh cổng của thành Hà Nội nhìn từ bên trong thành, khoảng năm 1883-1886, khi thành chưa bị phá. Đến năm 1893-1894 người Pháp dỡ bỏ thành Hà Nội, chỉ giữ lại cổng Bắc Môn (cửa Bắc) làm chứng tích về trận đánh thành Hà Nội.
Bức ảnh hiếm có chụp toàn cảnh điện Kính Thiên khi chưa bị phá hủy. Từng là nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, điện Kính Thiên bị người Pháp phá bỏ năm 1886 để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh. Dấu tích của cung điện còn lại đến nay là các bệ rồng ở lối lên.
Cổng thành phía trước (cửa Tiền) và cột cờ của thành cổ Bắc Ninh. Thành Bắc Ninh là thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác. Ngày nay thành vẫn còn ba cổng, cột cờ, một phần tường thành và hào nước.
Một cánh cổng của thành cổ Hải Dương, còn gọi là thành Đông. Thành bị thực dân Pháp phá hủy phần lớn vào năm 1889. Dù vậy, một số di tích của tòa thành vẫn còn được lưu giữ ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Cột cờ bên trong thành cổ Sơn Tây. Thành được xây dựng vào năm 1822, có kiến trúc độc đáo với tường thành bằng đá ong. Ngày nay tòa thành vẫn còn tương đối nguyên vẹn, là một di tích lịch sử quan trọng của thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Cột cờ của thành cổ Nam Định (thành Nam). Thành Nam Định từng là tòa thành cấp tỉnh lớn nhất thời nhà Nguyễn. Ngày nay thành chỉ còn một đoạn tường thành Cửa Bắc dài khoảng 220 mét. Cột cờ xưa vẫn còn nguyên vẹn, được coi là một biểu tượng của mảnh đất thành Nam.
Mời quý độc giả xem video: Có Một Ninh Bình Non Nước Hữu Tình Đến Thế. Nguồn: VTV Review.
T.B (tổng hợp)