Tọa lạc ở phường An Cựu, TP Huế, di tích An Lăng hiện là nơi an táng của 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, An Lăng có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Tuy nhiên, nơi đây vẫn mang trong mình nét đặc trưng của kiến trúc nhà Nguyễn.
Lăng gồm hai khu vực: Điện Long Ân và lăng mộ vua cùng Hoàng hậu. Khu vực lăng mộ hình chữ nhật, có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác.
Điện Long Ân ở trung tâm khu vực lăng tẩm là một công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện có ở Huế. Bên trong hiện có 3 án thờ thờ bài vị của các vua: Dục Đức và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).
Khu vực An Lăng còn có 39 lăng mộ các ông hoàng, bà chúa và 121 ngôi mộ đất.
An Lăng đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL).
Trước đó, sau thời gian dài tồn tại, do ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều hạng mục tại An Lăng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm bảo tồn một di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới, năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, phục hồi, tu bổ di tích này gồm các hạng mục khu tẩm điện, khu lăng mộ với kinh phí hơn 40 tỷ đồng.
Phạm vi của dự án sẽ bảo tồn, tu bổ, phụ ở khu vực Điện Long Ân có diện tích 557m2, được hạ giải toàn phần; tu bổ nền móng. Tu bổ gia cố, bảo toàn tối đa hệ khung, hệ mái và các cấu kiện gỗ trong điện...
Tại Hữu Trực Phòng hạ giải toàn phần, tu bổ nền móng, phục hồi hệ khung, hệ mái và các cấu kiện gỗ; phục hồi nền lát gạch Bát Tràng; phục hồi tường bao; sơn quang các cấu kiện gỗ; chống mối cho công trình; phục hồi mái lợp ngói liệt thanh lưu ly; phục hồi bờ nóc, bờ quyết, con giống, ô hộc....
Những kiến trúc tại An Lăng được tu bổ, tôn tạo công phu, tỉ mỉ.
Việc trùng tu, tu bổ diễn ra từ năm 2018 đến năm 2023. Sau thời gian nghiệm thu, chuẩn bị, di tích An Lăng đã chính thức mở cửa đón khách đến tham quan từ ngày 1/8/2024. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (đơn vị quản lý di tích) cho biết, trong thời gian đầu mở cửa, du khách sẽ được tham quan miễn phí. Việc bán vé sẽ được thực hiện khi HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua nghị quyết.