Diện mạo mới hạ tầng giao thông Đất Tổ
PTĐT - Xác định giao thông 'đi trước mở đường', thời gian qua, ngành giao thông vận tải tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được thành tựu quan trọng trong thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải...
PTĐT - Xác định giao thông “đi trước mở đường”, thời gian qua, ngành giao thông vận tải tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được thành tựu quan trọng trong thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Phú Thọ có hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy, giúp địa phương thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, tạo mối giao lưu kinh tế giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ lớn với trên 1.400km (62km đường cao tốc, 531km đường quốc lộ, 748km đường trình, trên 10.800km đường GTNT) trải dài rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện, xã, thôn bản qua nhiều địa hình. Cụ thể, Phú Thọ hiện có 09 tuyến đường quốc lộ đi qua với 531,1km; 51 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 748km; 12 cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và trên 400 cầu loại trung, cầu loại nhỏ trên các tuyến quốc lộ, đường địa phương. Tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai với chiều dài 75,025 km, đi qua 44 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thành, thị (thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, huyện Thanh Ba và Hạ Hòa). Về đường thủy có 5 sông chảy qua, tổng chiều dài 316,5km. Hiện nay, tỉnh đang khai thác tuyến đường thủy nội địa quốc gia (sông Lô, sông Hồng và sông Đà). Về giao thông nông thôn, toàn tỉnh có gần 11.000km, tỷ lệ cứng hóa đạt 67,1%; 455,6km đường đô thị, tỷ lệ cứng hóa đạt 91,5%.
Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. Đến nay, hệ thống giao thông trong tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện, kết nối cơ bản với các tuyến trục giao thông quốc gia, tạo sự liên thông giữa đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận… góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 5 năm (từ 2015 đến 2020), tỉnh đã huy động đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho giao thông để xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và bảo trì 410km, 32 cầu trên các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT ủy thác quản lý. Nhiều dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Các nút giao IC7, IC9, IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Nguyễn Tất Thành kéo dài, đoạn từ ngã tư giao với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; đường QL.32C qua thành phố Việt Trì từ chợ Nú đến cầu Phong Châu; đường nối từ QL.32C vào Khu công nghiệp Cẩm Khê; cầu Văn Lang, cầu Mỹ Lung mới trên QL70B tại Km31+325... Hệ thống đường đô thị được xây dựng, trong đó có nhiều tuyến hiện đại như: Đường Trường Chinh kết nối Khu công nghiệp Thụy Vân với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai tại nút giao IC7; đường Phù Đổng, đường Vũ Thê Lang, đường Nguyễn Du, đường Hòa Phong, đường Hai Bà Trưng kéo dài thuộc thành phố Việt Trì, đường Hùng Vương thị xã Phú Thọ...Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở GTVT đã kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch khi xuất hiện các yếu tố mới có tính kết nối liên vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội. Nổi bật như: Tuyến đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình; dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài- Lào Cai kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Hồ Chí Minh, đường QL.2, QL.2D, QL.32C, QL32 kết nối các khu công nghiệp Tam Nông, khu công nghiệp Phú Hà của thị xã Phú Thọ, cụm công nghiệp Thanh Ba... tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, có tính liên kết vùng, góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Hiện tại, Phú Thọ đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, có tổng chiều dài 40,2km; kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC9 thuộc địa bàn xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ và kết nối với các tuyến QL.2, QL.2D, QL.70, các đường tỉnh ĐT.314B, ĐT.315B.
Có thể khẳng định, với những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, hệ thống kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị của Phú Thọ đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài những dự án giao thông lớn đang được triển khai, giao thông nội thị cũng được tỉnh tập trung đầu tư, cải tạo… đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ vận tải hàng hóa, góp phần mở rộng không gian đô thị, phát triển KT-XH. Ông Nguyễn Văn Quân- Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kết nối liên vùng, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực phòng thủ phía Bắc, việc phát triển giao thông vận tải của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 cần có sự điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh là bổ sung 11 tuyến đường vào mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh, bảo đảm tính kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa những vùng có tiềm năng, lợi thế. Nâng cấp một số tuyến đường thành 03 tuyến đường tỉnh nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo giao thông và an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân.Sở GTVT đề xuất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn tỉnh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát văn bản, cập nhật hệ thống mạng lưới đường cao tốc đối với Tuyên Quang - Phú Thọ; các đoạn tuyến, tuyến đường chuyển thành quốc lộ từ đường địa phương đối với tuyến QL32.C. Triển khai xây dựng hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh theo Quy hoạch các đoạn từ Xuân Mai - Tam Nông để giúp tỉnh Phú Thọ có thêm điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp Trung Hà (huyện Tam Nông), Phú Hà (thị xã Phú Thọ) và các cụm công nghiệp dọc hai bên tuyến. Bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống đường quốc lộ và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 một số tuyến đường quốc lộ tránh các khu đô thị, khu đông dân cư trên địa bàn tỉnh; triển khai quy hoạch xây dựng một số cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy… để tăng cường kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo người dân sinh sống hai bên bờ sông.Những định hướng đề xuất nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời mà còn tạo luồng gió mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại. Các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn và phân kỳ đầu tư trong thời gian tới… sẽ là giải pháp hiệu quả để tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Phú Thọ phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, hiệu quả, an toàn; mở đường cho sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202012/dien-mao-moi-ha-tang-giao-thong-dat-to-174272