Diện mạo mới ở bản Cồn

Bản Cồn, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, có 100% dân số là người Vân Kiều sinh sống. Với quyết tâm chuyển đổi cách thức sản xuất từ lạc hậu sang tiến bộ, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, trong những năm trở lại đây, bản Cồn triển khai nhiều giải pháp thích hợp, khai thác được thế mạnh của địa phương để thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần tạo nên diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình thâm canh cây sắn do Hội Nông dân xã hỗ trợ cho gia đình anh Nhêng phát triển tốt - Ảnh: K.S

Mô hình thâm canh cây sắn do Hội Nông dân xã hỗ trợ cho gia đình anh Nhêng phát triển tốt - Ảnh: K.S

Anh Hồ Văn Nhêng là một trong những tấm gương về sự nỗ lực vươn lên trong xóa đói giảm nghèo ở bản Cồn. Trước đây, gia đình anh Nhêng có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, nhà nhiều nhân khẩu nhưng chỉ có 3 lao động chính. Thiếu đất sản xuất, thiếu sức lao động, chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng nước, đời sống gia đình anh thiếu trước hụt sau. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Tân Lập, Chi hội Nông dân bản Cồn về kiến thức khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi, anh mạnh dạn thuê thêm đất sản xuất để đầu tư trồng 1, 6 ha sắn.

Nhờ đó, kinh tế gia đình anh Nhêng trở nên khấm khá hơn. Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ cây sắn khoảng 110 triệu đồng. Năm 2023, anh được Hội Nông dân xã hỗ trợ thực hiện mô hình điểm thâm canh cây sắn theo quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, xử lý hom giống, trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên diện tích 0,15 ha.

Đến nay, mô hình sắn thí điểm phát triển tốt, cho năng suất cao hơn hẳn so với cách làm cũ. Anh Nhêng dự kiến sắp tới sẽ áp dụng cách thức của mô hình điểm trên toàn bộ diện tích sắn hiện có. Ngoài ra, anh còn trồng 0,25 ha lúa nước, 0,3 ha cà phê, 0,5 ha rừng trồng, đào ao thả cá và chăn nuôi bò. Nhờ vậy, đời sống gia đình anh hoàn toàn thay đổi, kinh tế phát triển theo hướng bền vững.

Anh Nhêng phấn khởi cho biết: “Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình phát triển kinh tế của gia đình tôi hiệu quả hơn trước nhiều. Tổng thu nhập của gia đình từ chăn nuôi, trồng trọt khoảng 200 triệu đồng. Nhờ đó, tôi xây dựng được nhà cửa kiên cố, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, các con của tôi có điều kiện ăn học tử tế”.

Xác định cây sắn là loại cây trồng chủ lực, bản Cồn đã tập trung các giải pháp nhằm khai thác được lợi thế này để vươn lên thoát nghèo. Người dân đã biết áp dụng kỹ thuật từ khâu cải tạo đất, chọn hom giống, xuống giống, bỏ phân để nâng cao chất lượng của cây sắn. Diện tích trồng sắn cũng dần được mở rộng thêm từ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả.

Mặt khác, bà con thuê thêm đất của các thôn liền kề bỏ hoang không sản xuất để tăng diện tích sắn. Hiện toàn bản có 72 ha sắn với sản lượng đạt gần 1.400 tấn/năm, đem lại nguồn thu nhập trên 3,6 tỉ đồng/năm. Rất nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo từ cây sắn, thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi vụ, hộ nhiều nhất trên 160 triệu đồng mỗi vụ.

Ngoài cây sắn, người dân bản Cồn tập trung phát triển lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá. Toàn bản hiện có gần 10 ha ruộng nước, năng suất trung bình đạt 62 tạ/ha, đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân; tổng đàn gia súc, gia cầm trên 1.000 con, phát triển ổn định.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển một cách bền vững, người dân bản Cồn vay vốn đầu tư mở mang diện tích sản xuất, mua sắm máy móc dần cơ giới hóa sản xuất, như máy cày ruộng, máy đùn lúa. Đến nay, nông dân bản Cồn đã tín chấp vay vốn qua ngân hàng chính sách xã hội huyện với dư nợ gần 2,1 tỉ đồng, phát huy tốt nguồn vốn vay, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất một cách hợp lý, người dân bản Cồn thuận lợi trong việc tranh thủ được thời gian làm thêm những công việc khác nhằm tăng thêm thu nhập, như thợ điện, thợ xây, dịch vụ cày ruộng, đùn lúa. Nhiều gia đình có 3 - 4 lao động làm công nhân ở các tỉnh phía Nam với mức lương ổn định, sau 2-3 năm tích cóp về quê xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm trang thiết bị gia đình và nuôi con ăn học đầy đủ.

Bản Cồn là khu dân cư tiên phong ở xã Tân Lập vận động người dân xây dựng con đường cờ với trên 50 trụ cờ, góp phần chỉnh trang và xây dựng nông thôn mới. Cộng đồng dân cư bản Cồn vẫn còn duy trì các lễ hội hằng năm của bản làng như cúng Miếu, cúng cơm mới, các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều được lưu truyền và phát huy, qua đó tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, động viên mọi người cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Tính đến đầu năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của bản là 13,8%, giảm 14% so với năm 2020.

Phó Bí thư Chi bộ bản Cồn Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Chi bộ bản Cồn bám sát các chỉ tiêu của nghị quyết Đảng ủy, kế hoạch phát triển KT-XH của UBND xã, chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, nhân rộng mô hình thâm canh cây sắn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động, đăng ký làm việc tại các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế mới để Nhân dân học tập, nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở bản Cồn nói riêng, xã Tân Lập nói chung”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/dien-mao-moi-o-ban-con/182443.htm