Diện mạo mới ở những làng kháng chiến

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều địa danh ở huyện Yên Dũng đã được công nhận di tích lịch sử; nhiều con người yêu nước được sử sách lưu tên. Phát huy truyền thống cách mạng, quê hương Yên Dũng đã và đang đổi thay từng ngày, niềm vui nhân lên khi sắp tới địa phương sáp nhập vào TP Bắc Giang.

Dấu xưa còn truyền

“Chín năm kháng chiến dẻo dai/Thứ nhất Ảm Trứ, thứ hai Long Trì”. Câu ca về hai làng chiến đấu kiểu mẫu nổi tiếng của huyện Yên Dũng thời chống Pháp được lưu truyền đến ngày nay.

Làng Long Trì thuộc thị trấn Tân An. Thời kỳ 1940 - 1954, chỉ đi qua đây thực dân Pháp mới có thể tiến đánh Tân An, Trí Yên, Lãng Sơn và huyện lỵ Yên Dũng. Với vị trí trọng yếu như vậy, Long Trì đã quyết định xây dựng ‘‘Làng chiến đấu” để ngăn chặn những đợt tấn công, càn quét của giặc Pháp. ‘‘Long Trì khói lửa’’ được nhân dân cả nước biết đến như một điển hình của phong trào giết giặc lập công. Ngày 20/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận Di tích lịch sử Địa điểm làng chiến đấu Long Trì là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

 Di tích ghi dấu làng chiến đấu Long Trì.

Di tích ghi dấu làng chiến đấu Long Trì.

Cách Long Trì khoảng chục km là làng Ảm Trứ thuộc xã Tiền Phong. Đầu làng là khu rừng Lai - nơi giáp ranh giữa 3 xã: Tiền Phong, Song Khê, Nội Hoàng. Khu này ngày xưa cây cối rậm rạp, là nơi du kích thường tập kết để chống càn. Phía sau làng là con ngòi Ảm nối sông Cầu với sông Thương, có bến thuyền nhộn nhịp, vừa là tuyến đường thủy giao thương hàng hóa vừa để du kích bí mật lặn ngụp, tiếp cận các vị trí cần thiết. Khi xây dựng làng chiến đấu, quân và dân Ảm Trứ đã đào giao thông hào ngay sát con ngòi này, dưới những lũy tre. Phía trên con ngòi là vòng Lịm đi sang làng tề (làng bị chiếm đóng). Với vị trí địa lý như vậy nên những năm kháng chiến chống Pháp, làng Ảm được chọn xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu. Lịch sử Đảng bộ xã ghi: “Tháng 6/1945, Đội tự vệ làng Ảm được thành lập gồm 32 người. Vũ khí của đội gồm 2 khẩu súng trường, trong đó một khẩu dân góp tiền mua; một khẩu do người dân bí mật lấy được của địch. Ngay sau khi thành lập, Đội đã phối hợp phá kho thóc, lấy về hơn 10 tấn chia cho nông dân trong làng. Cùng đó, Đội cử một số anh chị em mặc áo tơi, bên trong có giấu vũ khí, giả làm người đi cắt cỏ, bắt cua để trinh sát”.

Bên cạnh Đội tự vệ, tháng 7/1945, làng Ảm còn thành lập đội du kích gồm 40 người cả thanh niên, phụ lão và một Đội lão du kích gồm 12 người có nhiệm vụ vận động nhân dân xây dựng, củng cố làng kháng chiến và tham gia chiến đấu; thăm hỏi, nuôi bộ đội khi về đóng quân tại làng. Thôn xóm đều được rào kín, có giao thông hào bao quanh, dân quân du kích canh gác ngày đêm, kiểm soát người lạ mặt, giữ gìn trật tự an ninh. Khi nghe kẻng thì du kích ở lại làng, đồng thời báo động cho dân làng đi sơ tán ở các làng ven núi Phượng Hoàng. Nhiều nhà lớn của nhân dân và công trình công cộng như đình, chùa, đường sá, cầu cống bị triệt phá để tiêu thổ kháng chiến, làm chậm bước tiến công của quân địch, không cho chúng có nơi ẩn nấp. Lực lượng dân quân du kích Ảm Trứ luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Cụ Thân Văn Thông (SN 1938), 65 năm tuổi Đảng kể: Năm 13 tuổi tôi tham gia du kích, len lỏi hoạt động ở xóm làng. Lúc thì chúng tôi ra đường rải truyền đơn tuyên truyền chống Pháp, lúc lại đặt mìn nghi binh bằng sắt để chúng phát hiện ra sắt chứ không phải mìn. Khi xe chúng đi qua mìn nổ thì xe cũng đổ. Chúng tôi còn tham gia bắn bia sống để uy hiếp tinh thần, giảm sức chiến đấu của giặc; rồi tập kích tiêu hao sinh lực địch… Năm 2003, xã Tiền Phong được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đội lão du kích xã Cảnh Thụy có 7 cụ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch để bảo vệ làng. Biết tin, Bác Hồ đã gửi Thư thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước anh linh các vị lão du kích đã hy sinh vì nước. Trong bức thư đề ngày 5/5/1948, có đoạn viết: “Tôi kính cẩn thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước anh linh những vị lão du kích đã hy sinh vì nước là các cụ: Vũ Văn Dân, 73 tuổi; Văn An, 67 tuổi; Khắc Vỡm, 63 tuổi; Trần Đức Ve, 58 tuổi; Hoàng Văn Đan, 55 tuổi; Hoàng Hữu Thọ, 50 tuổi; Trần Đức Phương, 50 tuổi. Các cụ ấy tuy tuổi già tóc bạc, nhưng vẫn hăng hái giết giặc, hy sinh cho Tổ quốc. Các cụ ấy đã nêu cao gương oanh liệt. Toàn thể dân quân du kích cả nước phải noi gương anh dũng ấy, mà thi đua nhau giết cho nhiều địch, cướp cho nhiều súng. Như thế thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Các cụ ấy đã hy sinh, nhưng lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần dũng cảm của các cụ sẽ ở trong lòng tất cả đồng bào, tất cả mọi người du kích. Và tiếng thơm của các cụ sẽ giai truyền với non sông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập”.

Tinh thần chiến đấu anh dũng của các lão du kích Cảnh Thụy đã lan tỏa đến các lực lượng khác, trong đó có phong trào toàn dân tòng quân giết giặc cứu nước, thi đua giúp đỡ bộ đội, đỡ đầu du kích trên khắp địa bàn huyện.

Rộn ràng làng lên phố, xã lên phường

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ thành thị đến nông thôn đã có bao bước chuyển vượt bậc, đổi thay. Những ngày mùa thu này, về huyện Yên Dũng trong không khí kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, thấy cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng trên mỗi cổng nhà, mỗi đường quê, khu phố, tung bay trước gió thu. Nhìn trên bản đồ hành chính huyện Yên Dũng, thấy thị trấn Tân An, xã Cảnh Thụy và xã Tiền Phong nằm ở 3 vị trí như thế chân kiềng. Không phải ngẫu nhiên mà khi có chủ trương sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang, cả 3 địa phương này đều có tên trong danh sách lên phường. Chúng tôi rảo bước đi trên những con đường được bê tông hóa, rải nhựa, buổi tối điện đường sáng trưng; bà con í ới ra nhà văn hóa tập dưỡng sinh, khiêu vũ, đi bộ rèn luyện sức khỏe.

 Trung tâm huyện Yên Dũng hôm nay.

Trung tâm huyện Yên Dũng hôm nay.

Đồng chí Trần Thế Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong thông tin: Tính đến thời điểm này, xã đã cơ bản đáp ứng đủ 18 tiêu chí lên phường. Nổi bật là hệ thống đèn đường chiếu sáng dài 6 km, kinh phí gần 7 tỷ đồng đã hoàn thành. 100% đường nông thôn, nội đồng đã cứng hóa. Thu nhập bình quân đạt hơn 75 triệu đồng/người/ năm. Cả xã còn 29/2.382 hộ nghèo, 59 hộ cận nghèo. Hộ nào cũng có người buôn bán hoặc làm công nhân trong các công ty, xưởng máy. Trên địa bàn xã có hàng nghìn công nhân thuê trọ, hộ có nhà cho thuê thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đời sống tinh thần không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Nhìn những xóm làng nhộn nhịp, trù phú, những khu đô thị mới đang dần hình thành ở ba địa phương một thời là nơi thực dân Pháp càn quấy, thấy tràn sức sống của sự đổi mới đi lên. Sức sống đó đã và đang được tiếp thêm bởi truyền thống cách mạng, từ lịch sử quê hương của những đơn vị anh hùng trong kháng chiến chống Pháp.

Tương tự, xã Cảnh Thụy cũng sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Trên địa bàn xã có một số doanh nghiệp hoạt động thu hút hàng trăm lao động địa phương làm việc. Nhiều năm qua, Cảnh Thụy nổi tiếng về xuất khẩu lao động, hằng năm duy trì bình quân hơn 500 người chủ yếu làm việc ở các nước có thu nhập rất cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng năm 2023 toàn xã có hơn 30 người sang Úc lao động thu nhập gần trăm triệu đồng/người/tháng.

Các tiêu chí lên phường của xã đều đạt và vượt. Thị trấn Tân An cũng đang đổi thay nhanh chóng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 80 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 1,18%. Tân An đã sẵn sàng cho một hành trình mới khi sắp tới sẽ sáp nhập thêm xã Lão Hộ để thành lập phường Tân An.

Nhìn những xóm làng nhộn nhịp, trù phú, những khu đô thị mới đã và đang dần hình thành ở ba địa phương một thời là nơi thực dân Pháp càn quấy, thấy tràn sức sống của sự đổi mới đi lên. Sức sống đó đã và đang được tiếp thêm bởi truyền thống cách mạng, từ lịch sử quê hương của những đơn vị anh hùng trong kháng chiến chống Pháp.

Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dien-mao-moi-o-nhung-lang-khang-chien-095521.bbg