Diện mạo mới từ những con đường bích họa
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng khu dân cư 'sáng - xanh - sạch - đẹp', trong đó điểm nhấn là những con đường bích họa đầy màu sắc. Những hình ảnh tranh bích họa được các địa phương lựa chọn với nội dung quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa, thông điệp bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa… qua đó tạo nên diện mạo mới của vùng quê khang trang, tràn đầy sức sống.
Về xã Quang Trung (Vụ Bản) chúng tôi cảm nhận được nhiều đổi thay từ diện mạo của làng quê nông thôn mới. Trên những bức tường mốc rêu phong hay loang lổ vôi vữa trước đây được thay bằng những bức tranh sinh động, giàu ý nghĩa. Với ý tưởng góp sức “làm đẹp” cảnh quan làng quê, được sự đồng ý của Đảng ủy, UBND xã Quang Trung, các thành viên trong Hội đồng môn Trường Nhạc họa Hà Nam Ninh và cựu sinh viên lớp K26 (niên khóa 2000-2005) của Đại học Mỹ Thuật đã tình nguyện tham gia vẽ tranh tường ở các điểm trường học, bưu điện văn hóa, nhà văn hóa và tường bao của một số hộ dân. Để chuẩn bị các điều kiện vẽ tranh, hơn 30 họa sĩ đã khảo sát các địa điểm vẽ, sau đó tiến hành đo đạc, hoàn thiện hàng trăm bản mẫu phác thảo để UBND xã Quang Trung phê duyệt. Do những mảng tường có sẵn ở xã Quang Trung được thiết kế không đồng đều nên công đoạn vệ sinh tường, sơn lót chiếm khá nhiều thời gian. Loại sơn được lựa chọn vẽ tranh tường ở xã Quang Trung được lựa chọn kỹ, bám chắc sau khi khô, không phai và ít bị bạc màu. Nhiều bức tranh thể hiện sự kỳ công của các họa sĩ như: cây đa, giếng nước, sân đình, nông thôn ngày nay, tháp Phổ Minh, cổng làng… Trên bức tường dài hơn 70m của Trường THCS Quang Trung, các họa sĩ sáng tác nhiều tác phẩm với nội dung dễ hiểu, dễ tiếp cận đối tượng học sinh như: chung tay nhặt rác, biển, đảo quê hương, hãy chăm đọc sách… Ngay sau khi hoàn thành những bức tranh tường, Trường THCS Quang Trung đã tổ chức cho học sinh học tập ngoại khóa, trải nghiệm xem tranh, nghe phân tích về giá trị nghệ thuật và nội dung của từng bức tranh sau đó viết bài thu hoạch. Thông qua hoạt động này, nhà trường mong muốn giáo dục học sinh nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm về vấn đề môi trường, chủ quyền biển, đảo. Từ khi có những bức tranh tường, cảnh quan làng quê của xã Quang Trung đã sống động hơn. Đặc biệt ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, tình trạng viết vẽ bậy, quảng cáo rao vặt lem nhem trên tường đã không còn.
Ở xã Hải An (Hải Hậu), nhằm tạo những nét đặc trưng trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã triển khai xây dựng “Con đường bích họa” với đa dạng chủ đề như lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh địa phương… Đặc biệt, bức vẽ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều là người con quê hương đã anh dũng hy sinh khi lái máy bay cảm tử tiêu diệt máy bay B-52 của Mỹ. Đồng chí Phạm Ngọc Uynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết: Con đường bích họa dài gần 2km với khoảng 700 bức vẽ, bao xung quanh quần thể khu di tích lịch sử quốc gia đền An Trạch, nhà văn hóa… của xóm 5 và xóm 6. Sau 1 tháng thi công, gần 30 họa sĩ cùng các giáo viên mỹ thuật trên địa bàn huyện đã khẩn trương hoàn thiện công trình. Mặc dù ngoài 70 tuổi, nhưng họa sĩ Nguyễn Xuân Dưỡng đã dành toàn bộ tâm sức để vẽ 5 bức tranh trên con đường bích họa. Ông Dưỡng tâm sự: “Tôi vốn thoát ly quê hương trong thời gian dài, năm 2015 tôi chuyển về xã sinh sống. Tôi biết vẽ, đam mê hội họa nên khi xã có chủ trương xây dựng con đường bích họa, tôi tình nguyện tham gia. Các bức tranh của tôi tập trung phản ánh nét đẹp văn hóa của quê hương, qua đó nhắn gửi con, cháu ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa, tập quán truyền thống lâu đời ở địa phương”. Từ ngày có “con đường bích họa”, xã Hải An như khoác lên mình tấm áo mới. Con đường bích họa trở thành điểm check-in của nhiều bạn trẻ trong và ngoài huyện. Bà Phạm Thị Tươi (60 tuổi), xã Hải An chia sẻ: “Từ ngày có con đường bích họa này, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường và vẽ bậy trên tường đã giảm thiểu đáng kể. Cảnh quan xung quanh làng xóm sạch đẹp hơn nhiều. Người dân chúng tôi ai nấy đều cảm thấy rất phấn khởi, tự hào và mong muốn mô hình này ngày càng được nhân rộng”.
Ở xã Nam Vân (thành phố Nam Định), Đoàn Thanh niên xã Nam Vân phối hợp với Đoàn sinh viên Hàn Quốc tạo nên “con đường bích họa” độc đáo. Theo đó, được sự đồng ý của cấp ủy, UBND xã, năm 2020, Ban chấp hành Đoàn xã đã huy động đoàn viên, thanh niên thực hiện công trình “con đường bích họa”. Với sự trợ giúp của đoàn sinh viên Hàn Quốc cùng các giáo viên dạy mỹ thuật trên địa bàn xã, con đường bích họa dài gần 1km đã hoàn thành đúng tiến độ. Dưới bàn tay tài hoa của các họa sĩ trẻ, những bức tường gạch khô cứng đã biến thành những bức tranh sinh động với nhiều chủ đề ý nghĩa có tác dụng tuyên truyền, vận động lớp trẻ và cộng đồng tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội; chấp hành luật lệ an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Việc phác thảo theo quy tắc từ mảng lớn trước sau đó tới những mảng nhỏ, phân định không gian xa, gần, trung gian, tiếp đó tập trung vào những chi tiết chính của bức tranh. Để tạo chiều sâu cho bức tranh tường, các họa sĩ đã lót sơn nền theo nguyên tắc từ xa tới gần. Khi đi vào chi tiết, các họa sĩ dùng bút tô màu và bút tỉa để đi lại những mảng màu lớn rồi sau đó dùng bút tỉa những tiểu tiết…
Những bức tranh bích họa sinh động, những thảm hoa đa sắc màu ngày ngày nở rộ khắp những ngõ nhỏ, đường quê ở các địa phương trong tỉnh như xua tan bao âu lo, mệt mỏi của người dân sau một ngày lao động vất vả, góp phần giúp không gian ở các khu dân cư ngày càng văn minh, hiện đại.