Diện mạo và sức sống mới ở huyện biên giới Tân Hồng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, quân và dân huyện biên giới Tân Hồng đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với lực lượng của trên để giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân, huyện Tân Hồng đã khắc phục khó khăn, từng bước phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, qua đó tạo được diện mạo mới cho huyện Tân Hồng như ngày hôm nay.
Phá tan ý đồ tách quần chúng ra khỏi cách mạng
Theo một số tài liệu, cuối năm 1959 đầu năm 1960, Mỹ - Diệm ráo riết thực hiện kế hoạch gom dân lập khu trù mật với ý đồ “tát nước bắt cá”, tách quần chúng ra khỏi cách mạng, nhân dân bị chúng kiểm soát gắt gao, mặc dù vậy nhân dân vẫn không rời xa cách mạng, đã chắt chiu từng lon gạo, tấm áo, viên thuốc gửi ra ngoài cho cán bộ, chiến sĩ của ta. Không thể chịu nổi trong vòng kìm kẹp của kẻ thù, hưởng ứng phong trào Đồng Khởi, ngày 23/7/1960 được sự hỗ trợ từ 2 đoàn du kích xã bên ngoài, nhân dân trong khu trù mật nhất tề nổi dậy, phá tan hàng rào kẽm gai, đánh chiếm đồn Cà Vàng, diệt tại chỗ 2 tên ác ôn, bắt sống 2 tên khác, số còn lại hoảng sợ bỏ chạy, ta giải phóng được xã Thông Bình, nhân dân trở về ruộng vườn cũ làm ăn sinh sống và tiếp tục ủng hộ cách mạng.
Tháng 2/1961, thông qua cơ sở, ta yêu cầu tên đồn trưởng Thông Bình cho mượn nhà lồng chợ Thông Bình để họp và được chấp nhận. Ta tiến hành mít-tinh trong đêm, nội dung phát động nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kiềm, phá khu trù mật, giáo dục giải tán phòng vệ dân sự ấp Thị, bắn 1 tên gián điệp ác ôn. Tháng 7/1961, một trận đánh diễn ra tại Dinh Bà, du xã kết hợp với Huyện đội do đồng chí Hồng Hải chỉ huy, ta diệt hàng chục tên địch, đánh tan tiểu đoàn biệt kích đến tăng viện. Ngày 16/8/1961, địch cho 3 tiểu đoàn quân chủng chủ lực càn quét, yểm trợ cho quân địa phương bình định lấn chiếm vùng giải phóng. Trung đội du kích xã Tân Hộ Cơ với vũ khí còn thô sơ, lợi dụng địa hình quen thuộc, dùng xuồng chất bao chắn, chuối cây chống đạn, dũng cảm luồn lách, mưu trí đánh chia cắt đội hình địch và đã diệt được 13 tên, thu 4 súng, 3 chiếc xuồng.
Tháng 3/1964, địch phát hiện ta chuẩn bị đánh Sa Rài nên cho quân càn xuống ấp Cây Me đánh phủ đầu quân ta, chúng có máy bay yểm trợ bắn chết nhiều người, trong đó có đồng chí Năm Thành (Bí thư Chi bộ xã Tân Thành). Từ đó, địch tăng cường bắn phá, ném bom vào các ấp của xã Tân Thành để lùa tách dân ra khu trù mật Phú Hiệp (Đồng Tiến). Trước hành động bắn giết dã man của kẻ thù, ta đã tổ chức quần chúng đấu tranh, có sự hỗ trợ của cấp trên, tháng 4/1964, ta đã san bằng đồn Cái Cái và Thông Bình. Mặc dù liên tiếp bị thất bại nhưng thế lực xâm lược đã đẩy mạnh lập trung tâm biệt kích ở Cà Vàng (xã Thông Bình) nhằm gom dân ra vùng ven để chúng dễ kiểm soát, đồng thời phong tỏa tuyến biên giới hòng cắt đứt tuyến hành lang này. Âm mưu của địch là nếu không tiêu diệt được lực lượng của ta thì cũng bị cô lập, không nguồn tiếp tế, không còn sức chiến đấu. Song với tinh thần quyết tâm đánh đuổi xâm lược, giải phóng quê hương đất nước, quân và dân huyện Tân Hồng cùng với lực lượng của trên đã đánh nhiều trận thắng tiêu biểu.
Trưa ngày 30/4/1975, du kích xã, ấp cùng nhân dân nổi dậy buộc địch hạ vũ khí đầu hàng, giải phóng toàn xã Tân Thành. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy huyện, xã, quần chúng nhân dân phấn khởi nô nức tham gia vào đấu tranh giành chính quyền. 7 giờ tối cùng ngày 30/4/1975, lực lượng du kích áp sát đồn Gò Chùa và đồn Gò Bói; các bộ phận chính trị, binh vận tập trung phát loa kêu gọi lính đầu hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí... Đến sáng ngày 1/5/1975, các xã thuộc địa bàn huyện Tân Hồng ngày nay hoàn toàn giải phóng.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng biên
Phát huy truyền thống yêu nước, chịu đựng gian khổ, anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Hồng quyết tâm trên mặt trận mới “Chinh phục Đồng Tháp Mười” nhằm biến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thành vùng quê trù phú, phát triển và vươn xa của huyện Tân Hồng. Trước đây, Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn từng xác định nông nghiệp là thế mạnh trước mắt cũng như lâu dài của huyện Tân Hồng, nên đã tập trung dồn sức cho nông nghiệp với chủ trương “khai hoang, phục hóa, thâm canh, tăng vụ, tăng diện tích, năng suất và sản lượng lúa; gắn liền với phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xem nuôi trồng thủy sản đứng vị trí thứ 2 trong nội ngành nông nghiệp sau cây lúa”.
Từ đó, huyện đầu tư cho thủy lợi là khâu quyết định, từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, địa phương vận động nhân dân hiến đất để đào, nạo vét kênh tạo nguồn như: kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, Tân Thành – Lò Gạch, Thống Nhất... Đồng thời phát động xã hội hóa thủy lợi nội đồng theo phương thức chủ đầu tư bơm tưới chủ trì, được sự vận động hỗ trợ của chính quyền xã, nông dân đóng góp theo đơn vị diện tích sản xuất. Với cách làm trên, sau vài năm đã phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, nhất là xây dựng các ô bao chống lũ và sản xuất 3 vụ ăn chắc/năm. Sau cây lúa, huyện đã tiến hành quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản dọc theo 2 tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng và Tân Thành – Lò Gạch, từ chỗ khai thác cá tự nhiên là chủ yếu đến nay huyện Tân Hồng có hơn 700ha diện tích nuôi cá tra xuất khẩu, đạt sản lượng tóp đầu trong toàn tỉnh.
Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê hẻo lánh, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nhất là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới Tân Hồng. Đến nay, xe 4 bánh đã đi đến trung tâm các xã, thị trấn trong huyện kể cả 2 mùa mưa nắng, hệ thống cầu ngày càng kiên cố góp phần thuận lợi trong việc vận chuyển hàng nông sản của người dân địa phương. Bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương tiến hành xây dựng hệ thống đê bao Sa Rài, sau nhiều năm được duy tu nâng cấp và được Trung ương công nhận là đê bao cấp 3 về quy mô và cấp độ thì đây là đê bao đầu tiên và duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến hiện tại.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển đáng kể, để lại nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng, còn nhớ huyện Tân Hồng chỉ có vài chợ xã nhỏ, mua bán nhiều mặt hàng tự sản tự tiêu của dân trong khu vực thì đến nay địa phương có chợ trung tâm huyện, 2 chợ cửa khẩu biên giới, 10 chợ xã và thị trấn. Hệ thống điện trung thế, hạ thế không ngừng phát triển, đến nay đã phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt cho trên 99% số hộ dân toàn huyện, trong đó đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sản xuất trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân địa phương.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của huyện Tân Hồng cũng không ngừng phát triển. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao với nhiều loại hình phong phú đa dạng đã tạo nên sắc thái mới trong đời sống tinh thần của nhân dân. Toàn huyện có 3 trường THPT, tất cả các xã, thị trấn đều có trường THCS, Tiểu học, Mầm non được xây dựng khá kiên cố cũng như trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học có hiệu quả.