Điện mặt trời mái nhà phát triển bùng nổ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổng công suất lắp đặt đã lên đến gần 9.300 MWp.

Theo số liệu cập nhật của EVN, đến hết ngày 31/12/2020 đã có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp.

Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,15 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

EVN đánh giá trong những năm gần đây, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã mang lại sự phát triển bùng nổ đối với năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở Việt Nam.

 Đến nay, có 37.300 hộ gia đình và doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Ảnh: EVN HCMC.

Đến nay, có 37.300 hộ gia đình và doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Ảnh: EVN HCMC.

Tuy nhiên, với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện cũng đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện.

Do đặc điểm thời tiết từ tháng 9 trở về cuối năm có xu hướng lạnh dần nên phụ tải hệ thống điện quốc gia chuyển sang mẫu điển hình của mùa lạnh. Với số liệu ở trên, nếu tổng công suất điện mặt trời trên cả nước là 16.500 MW thì cũng đã tương đương khoảng 40% phụ tải toàn quốc vào lúc thấp điểm buổi trưa.

Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5000 MW.

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khách quan bất lợi như phụ tải tăng trưởng thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chênh lệch giữa phụ tải cao điểm và thấp điểm trong ngày rất lớn, phụ tải cao điểm buổi chiều có công suất lớn nhưng không còn điện mặt trời hỗ trợ dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác điều độ hệ thống điện.

Để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần, các dịp lễ tết hay ngay tới đây là dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.

Việc điều độ, huy động công suất các nhà máy điện trên hệ thống vẫn đã và đang được thực hiện thông qua hệ thống AGC. Hệ thống này sẽ tự động giám sát và tối ưu hóa điều chỉnh công suất phát của các nhà máy điện, trong đó bao gồm các nhà máy điện năng lượng tái tạo theo thời gian thực, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia.

Hà Bùi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dien-mat-troi-mai-nha-phat-trien-bung-no-post1168960.html