Điện mặt trời nổi và tiềm năng phát triển qui mô công nghiệp
Hệ thống mặt hồ thủy điện, thủy lợi rộng lớn liệu có là tiềm năng để phát triển điện mặt trời, thay thế nguồn quỹ đất eo hẹp hiện tại?
Trong khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng lắp đặt dàn pin mặt trời trên mặt nước đến môi trường thủy sinh và hiệu suất nguồn điện mặt trời”, do Bộ Công Thương giao Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) chủ trì nghiên cứu, vừa qua, VECEA đã có cuộc khảo sát tại khu vực lắp đặt hệ nguồn điện mặt trời nổi thí nghiệm.
Trước đó, vào tháng 3/2019, VECEA đã lập đoàn khảo sát tại khu vực Cửa Lò, tỉnh Nghệ An để tìm địa điểm thích hợp để triển khai thực hiện Đề tài. Sau quá trình khảo sát đã lựa chọn các hồ nước của Nhà máy nước Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Công ty Cấp nước và môi trường nông thôn Nghệ An làm đối tác cùng triển khai đề tài.
Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, hệ nguồn điện mặt trời nổi với dàn pin mặt trời công suất 9 kWp lắp trên mặt hồ của Nhà máy nước đã xây dựng xong và đi vào vận hành.
Theo tính toán, với cường độ bức xạ khu vực lắp đặt hệ nguồn điện nổi thí nghiệm (trung bình khoảng 4 kWh/m2.ngày), thì hệ nguồn điện mặt trời này sẽ cung cấp cho Nhà máy nước một lượng điện khoảng 36 kWh/ngày. Phú Thành cũng là nhà máy nước đầu tiên ở miền Bắc sử dụng nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường để vận hành nhà máy.
Trong chuyến khảo sát lần này, VECEA đã mời hai nhà khoa học chuyên về công nghệ sinh học và thủy sản về để đánh giá sự ảnh hưởng của môi trường thủy sinh, qua đó, quyết định hệ sinh thái, các chỉ tiêu sinh học cần được đánh giá khi lắp đặt dàn pin nổi trên mặt nước.
TS.Nguyễn Quang Thảo – Nguyên Trưởng Phòng An toàn Thực phẩm và Công nghệ sinh học, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, hệ phù du trong nước rất quan trọng và nó chịu ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời. Do đó, khi lắp dàn pin nổi trên mặt nước, che bớt phần ánh sáng thì cần phải thận trọng khi đánh giá ảnh hưởng của nguồn dinh dưỡng cung cấp cho hệ thủy sinh.
Qua khảo sát thực tế, đoàn chuyên gia đã thống nhất tập trung vào một số nội dung nghiên cứu chính bao gồm: Nghiên cứu các biến đổi của môi trường thủy sinh khu vực nước dưới dàn pin mặt trời (như nhiệt độ, độ pH, nồng độ oxy…); Đánh giá sự phát triển của cá nuôi dưới khu vực dàn pin (đối chứng với cá nuôi ở khu vực tự nhiên); Hiệu suất phát điện của hệ nguồn điện mặt trời nổi.
Các kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ góp phần vào sự phát triển của điện mặt trời nói chung và điện mặt trời nổi nói riêng ở Việt Nam. Đặc biệt, các kết quả này sẽ có thể mở ra một hướng mới về kết hợp điện mặt trời và thủy điện trong cung cấp điện cũng như sự kết hợp giữa sản xuất điện mặt trời và nuôi trồng thủy sản, góp phần giải quyết khó khăn về quỹ đất dành cho phát triển điện mặt trời.
Đề tài sẽ kết thúc, nghiệm thu trong năm 2020.
Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng lắp đặt dàn pin mặt trời trên mặt nước đến môi trường thủy sinh và hiệu suất nguồn điện mặt trời”, do Bộ Công Thương giao VECEA chủ trì nghiên cứu trong hai năm 2019-2020.
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đặng Đình Thống – Thành viên VECEA.