Điện mặt trời ở nơi không bao giờ có ánh mặt trời

Tự cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tại một vùng chìm trong màn đêm vô tận vào mùa đông: Na Uy sẽ lắp đặt những tấm pin mặt trời trên quần đảo Svalbard. Thử nghiệm này có thể giúp các cộng đồng Bắc Cực xa xôi đạt tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng của riêng họ.

Những tấm pin mặt trời trên quần đảo Svalbard

Những tấm pin mặt trời trên quần đảo Svalbard

Tại đây, 360 tấm pin mặt trời đã được sắp xếp khéo léo thành sáu hàng. Từ ngày 21/9 này, chúng sẽ bắt đầu cung cấp năng lượng cho một đài phát thanh cũ tên là Isjord Radio, từng được dùng để điều phối giao thông hàng hải. Ngày nay, nơi này là trại nghỉ chân cho khách du lịch trên quần đảo Na Uy này, với tên gọi là Spitsbergen.

Tại nơi này, gió thổi rất khắc nghiệt. Con người chỉ có thể đến nơi đây bằng thuyền hoặc trực thăng, khi thời tiết cho phép. Địa điểm này nằm cách Bắc Cực chỉ hơn 1.300 km. Ông Mons Ole Sellevold - Cố vấn kỹ thuật về năng lượng tái tạo tại công ty khai thác than Store Norske của nhà nước Na Uy, nói với AFP: “Chúng tôi tin rằng đây là hệ thống quang điện lắp đặt tại nơi xa nhất ở phương bắc của thế giới”.

Lần đầu tiên

“Đây là lần đầu tiên có người thực hiện việc này ở quy mô lớn như vậy tại Bắc Cực”, ông Sellevold nói, trên vai ông là khẩu súng trường nhằm tự bảo vệ mình khỏi gấu Bắc Cực – một loài động vật khá phổ biến ở những vĩ độ này.

Theo ông, với 100 tấm pin khác được lắp đặt trên chính đài phát thanh cũ, thiết bị này sẽ đáp ứng một nửa nhu cầu điện, đồng thời giảm lượng khí thải CO2 từ địa điểm này. Trước đây, điện được cung cấp từ máy phát điện chạy dầu diesel.

Vào mùa hè, tia nắng chiếu rất nhiều lên khu vực chìm trong hiện tượng "mặt trời vào nửa đêm" và không bao giờ lặn này. Hơn nữa, các tấm pin quang điện cũng được hưởng lợi từ hiệu ứng “albedo” (suất phản chiếu) của băng và tuyết. Nhiệt độ thấp giúp tăng hiệu quả của chúng.

Ngược lại, vào mùa đông, những nơi này chìm vào đêm tối mực trong nhiều tháng, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 2, khiến con người không thể bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Dự án thí điểm

Store Norske cho biết đang xem xét thêm những giải pháp thay thế, chẳng hạn như turbine gió, để làm cho nguồn điện của họ trở nên xanh hơn nữa. Theo ông Sellevold, ngoài những cân nhắc về môi trường, quá trình chuyển dịch năng lượng này còn được thúc đẩy bằng nhiều động lực mang tính kinh tế: Dầu diesel thì quá đắt tiền để mua và vận chuyển, còn thiết bị năng lượng mặt trời thì dễ bảo trì và không bị hỏng.

Ông Mons Ole Sellevold cho biết, nơi này là một cơ sở thí điểm nhằm thử nghiệm những loại công nghệ có thể đem đến cho tầm 1.500 địa điểm hoặc cộng đồng ở Bắc Cực. Theo ông, dù những nơi này không được hòa lưới điện, nhưng chúng vẫn có thể được "xanh hóa". Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn biến Đài phát thanh Isjord thành một địa điểm thử nghiệm nhằm (...) tìm ra được công nghệ đã qua thử nghiệm ở điều kiện Bắc Cực, sau đó đem đi lắp đặt thêm ở nhiều nơi khác”.

Theo một nghiên cứu được công bố năm trước, khí hậu ở Bắc Cực đã nhanh chóng ấm lên, với tốc độ gần gấp 4 lần so với phần còn lại của thế giới trong 40 năm qua, làm băng tan nhanh chóng, đảo lộn hệ sinh thái và đời sống dân cư địa phương, cũng như gây ảnh hưởng đến phần còn lại của hành tinh (mực nước dâng cao, hiện tượng khí hậu tiêu cực, v.v.).

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dien-mat-troi-o-noi-khong-bao-gio-co-anh-mat-troi-694771.html