Điện một giá: Giá nào?

Phương án một giá điện mà Bộ Công Thương đang tính toán có thể sẽ hợp lòng người tiêu dùng dưới khía cạnh bảo đảm công bằng nhưng không chắc sẽ có lợi hơn trong tình huống mức giá đưa ra trên trời

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Bùi Xuân Hồi, giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận ý tưởng bổ sung phương án điện một giá cho khách hàng lựa chọn song song với hình thức cũ chủ yếu xuất phát từ những lùm xùm trong quá trình triển khai giá điện bậc thang vào mùa nắng nóng hằng năm. Phương án này chưa chắc đã giải quyết được những bất cập thuộc về căn nguyên của giá điện.

Phương án chữa cháy

Nói rõ thêm, ông Bùi Xuân Hồi cho rằng chuyện hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa nắng nóng cao điểm và sự bức xúc của xã hội đã khiến các nhà quản lý nghĩ tới một phương án giá điện mới để khắc phục. Đồng thời, cũng là để mở rộng thêm quyền lựa chọn của khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng có dễ dàng lựa chọn được phương án có lợi hay không và bao nhiêu phần trăm hộ tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá có lợi hơn, lại chưa được làm rõ.

Theo phân tích của PGS-TS Bùi Xuân Hồi, nếu phương án một giá điện và biểu giá lũy tiến được thực hiện song song thì các hộ tiêu dùng ít điện sẽ lựa chọn tính giá bậc thang, còn hộ sử dụng nhiều sẽ chọn phương án một giá để tránh hiệu ứng bậc thang. Tuy nhiên, nhóm khách hàng sử dụng mức sản lượng nào trở lên sẽ lựa chọn đồng giá còn phụ thuộc vào mức giá được xây dựng. Theo đó, mức giá càng cao thì hộ sử dụng càng nhiều điện sẽ không ưu tiên lựa chọn và ngược lại. Theo tính toán, có đến 80% hộ tiêu dùng hiện nay sẽ phải trả tiền điện cao hơn hiện tại nếu lựa chọn phương án một giá, cũng đồng nghĩa là số hộ này sẽ không lựa chọn phương án mới. Nói cách khác, phương án mới được đưa ra không phục vụ cho số đông.

Cách tính giá điện hiện nay vẫn gây bức xúc cho người dùng điện Ảnh: TẤN THẠNH

Cách tính giá điện hiện nay vẫn gây bức xúc cho người dùng điện Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều chuyên gia kinh tế tuy lên tiếng đồng tình với phương án điện một giá bởi sẽ tạo công bằng giữa các hộ tiêu dùng và khá hợp lòng dân nhưng còn băn khoăn mức giá nào sẽ được đưa ra. Nếu giá "trên trời" thì không nhiều hộ sử dụng điện lựa chọn một giá và sẽ quay về biểu giá điện bậc thang, khi đó phương án được bổ sung để tăng quyền lựa chọn cho người dân sẽ không có nhiều giá trị. Mặt khác, nếu đưa ra 2 loại biểu giá mà cả người tiêu dùng ít và nhiều điện đều có lợi thì rất khó cho việc cân bằng tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Khi đó, không loại trừ khả năng sẽ có nhiều đề xuất tăng giá điện được đưa ra.

Thiếu nhiều quy định

Việc xây dựng thêm phương án điện một giá dù sao cũng giúp mở rộng quyền được lựa chọn cách tính giá điện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực hiện, cần xây dựng thêm không ít quy định để có thể vận hành một cách trơn tru.

"Hiện còn chưa rõ quy định về khoảng thời gian, số lần khách hàng được thay đổi phương án sử dụng điện đã chọn. Liệu có được thay đổi phương án theo mùa, khi mà tiêu dùng điện mùa đông thích hợp với biểu giá lũy tiến còn mùa hè thì lựa chọn một giá có lợi hơn. Như vậy, ngoài mức giá bao nhiêu thì đi kèm là toàn bộ hành lang pháp lý liên quan đến tổ chức thực hiện. Hành lang pháp lý sẽ quyết định sự linh hoạt trong lựa chọn của người tiêu dùng" - PGS-TS Bùi Xuân Hồi phân tích.

PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nghiêng về phương án đồng giá điện bởi có quá nhiều bất cập trong phương án bậc thang. Tuy nhiên, ông cho rằng phương án đồng giá điện sẽ không bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách… nếu không nghiên cứu các phương án hỗ trợ kèm theo.

"Áp dụng đồng giá điện và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc miễn phí một phần điện tiêu thụ cho hộ nghèo, hộ chính sách là phương án hợp lý nhất hiện nay" - ông Duệ nêu quan điểm.

Nên nghiên cứu giá điện 2 thành phần

Ông Bùi Xuân Hồi cho rằng hạ tầng của ngành điện đã đủ điều kiện để cải tiến giá điện theo hướng công bằng hơn. Cụ thể, người tiêu dùng Việt Nam đang trả tiền điện cho sản lượng điện tiêu thụ của mình. Trong khi đó, người tiêu dùng tại nhiều nước trả tiền điện cho cả sản lượng điện tiêu thụ lẫn công suất tiêu thụ điện. "Cùng tiêu thụ một sản lượng điện nhưng một hộ gia đình có công suất tiêu thụ tập trung tại một thời điểm, còn hộ khác dùng trong nhiều giờ thì chi phí họ gây ra cho cả hệ thống điện là khác nhau. Khi tính giá điện, cần tính đến cả công suất sử dụng bên cạnh sản lượng tiêu thụ để bảo đảm công bằng. Đó mới là căn nguyên của vấn đề xác định giá điện chứ không phải nằm ở chỗ một giá hay nhiều giá" - ông Hồi phân tích.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/dien-mot-gia-gia-nao-2020071020495372.htm