Điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện tháng 9 tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2021
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, lũy kế 9 tháng năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 204,359 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 1,898 tỷ kWh so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022.
Phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng 9 năm 2022 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện tháng 9 năm 2022 ước đạt 22,645 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2021 (phụ tải hệ thống điện tháng 9 năm 2021 ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19), thấp hơn khoảng 0,206 tỷ kWh so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 được phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021 về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 (Quyết định số 3063/QĐ-BCT).
Lũy kế 9 tháng năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 204,359 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 1,898 tỷ kWh so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022.
Nhìn chung, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2022 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên cả nước nói chung, đặc biệt là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày và trong thời gian diễn ra các sự kiện văn hóa - chính trị lớn của cả nước.
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể như sau: Chỉ đạo các nhà máy thủy điện tập trung thực hiện tích nước các hồ thủy điện để chuẩn bị cho mùa khô năm 2022. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nhất là dịp cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2022 tại Đồng bằng Bắc bộ.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.
Chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV, 220 kV truyền tải bổ sung công suất cho khu vực miền Bắc.
Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty Điện lực bám sát tình hình phụ tải thực tế, cập nhật dự báo phụ tải năm 2022. Trên cơ sở đó, chủ động lập kế hoạch, làm việc trực tiếp với từng đối tượng khách hàng để xây dựng các giải pháp về chuyển đổi mô hình, thời gian sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp điện, tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, khả thi.
Đề nghị các phương tiện truyền thông phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp tiết kiệm nước cho sản xuất, sinh hoạt trên phạm vi cả nước.