Diễn tập chữa cháy, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu trên vịnh Hạ Long năm 2024
Mới đây, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tổ chức thực tập Phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN), đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và ứng phó sự cố tràn dầu (ƯPSCTD) năm 2024.
Ngày 20/6/2024, tại khu vực Vung Viêng (vịnh Hạ Long) Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tổ chức thực tập Phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN), đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và ứng phó sự cố tràn dầu (ƯPSCTD) năm 2024.
Tham gia thực tập có đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Quảng Ninh; các đơn vị Công ty TNHH Du lịch Đỗ Văn Long; Công ty CP Du thuyền Đông Dương; Công ty CP Ngọc trai Hạ Long; HTX Dịch vụ du lịch Vạn chài Hạ Long.
Tại buổi thực tập, hai tình huống giả định đặt ra gồm: Cứu nạn, cứu hộ khi gặp dông lốc bất thường; cháy tàu du lịch có người bị nạn, sơ tán người và tài sản, xử lý sự cố tràn dầu. Tàu du lịch của Công ty X chở một đoàn khách du lịch vào tham quan điểm Vung Viêng. Sau khi kết thúc hành trình tham quan làng chài, 5 khách du lịch đang trên đò nan hành trình về bến nổi Vung Viêng thì bất ngờ gặp cơn dông lốc, một số khách sợ hãi hoảng loạn làm đò tròng trành, lật úp, khách bị rơi xuống nước, trong đó có người có dấu hiệu ngạt, đuối nước.
Ngay sau khi có thông báo về sự cố, các lực lượng tại chỗ của Trung tâm Bảo tồn III, Tổ Quản lý Vung Viêng - Bái Đông, Tổ Quản lý Cống Đỏ - Hang Cỏ, Công ty TNHH Du lịch Đỗ Văn Long, HTX Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long… đã nhanh chóng triển khai tiếp cận chỗ người bị nạn, ném phao cứu nạn, đưa người bị nạn về bến nổi, tổ chức sơ cứu nạn nhân (ép tim, hà hơi, thổi ngạt)…
Trên cơ sở tình huống thứ nhất, sau khi vừa kết thúc công tác cứu nạn đối với đò chở khách bị lật chìm, tàu du lịch của Công ty X đang neo đậu chờ khách bất ngờ xảy ra cháy do thuyền viên mải tập trung vào công tác cứu nạn, cứu hộ. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, Thuyền trưởng quyết định cho sơ tán người, tài sản, vật dụng cần thiết khỏi tàu. Trong quá trình di chuyển để sơ tán, 3 du khách cao tuổi do quá hoảng loạn nên có người bị vấp ngã, gãy chân. Do quá trình chữa cháy, nước trong buồng máy có lẫn dầu được bơm ra biển để cứu tàu, phải tổ chức quây phao để tránh dầu loang ra biển.
Quá trình thực tập trải qua các bước: Phát hiện có cháy trên tàu du lịch; sơ tán người, sơ cứu nạn nhân, thông tin; báo cáo tình hình cháy; phối hợp với Đội PCCC&CNCH trên sông, biển (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh); tổ chức dập đám cháy; ứng phó sự cố tràn dầu; báo cáo kết quả.
Đây là 2 phương án diễn tập được xây dựng sát thực tế với độ khó cao, nhằm củng cố kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm của lãnh đạo và toàn thể cán bộ viên chức lao động Ban Quản lý vịnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ trên vịnh, trong phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, góp phần đảm bảo an toàn trên vịnh Hạ Long.
Trên cơ sở 02 tình huống giả định được đưa ra, các thành viên tham gia buổi thực tập đã phối hợp nhịp nhàng, phản ứng nhanh trước tình huống xảy ra: đảm bảo công tác thông tin, báo cáo kịp thời, đồng thời khẩn trương tiếp cận người bị nạn, cứu nạn đưa về bến nổi, tổ chức sơ cứu trước khi chuyển nạn nhân về đất liền; công tác sơ tán người, tài sản; tổ chức dập cháy và ứng phó sự cố tràn dầu cũng được các thành viên tham gia diễn tập xử lý khá thuần thục, thực hiện chính xác thao tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đã được huấn luyện...
Hoạt động này là công tác thường xuyên hàng năm của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống về cháy nổ, thiên tai, cứu nạn và tràn dầu trên vịnh Hạ Long trong trường hợp nếu có xảy ra, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người và tài sản của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trên vịnh Hạ Long.