Diễn tập xử trí tình huống sự cố hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Nằm trong khuôn khổ cuộc diễn tập phòng thủ dân sự (PTDS) ứng phó với bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình năm 2024, chiều 19/7, Ban Chỉ đạo diễn tập PTDS tỉnh tổ chức diễn tập xử trí tình huống sự cố hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, xã Mỹ Lộc (Thái Thụy).

Theo tình huống giả định: vào hồi 13h30 phút ngày 19/7/2024, do ảnh hưởng của siêu bão số 3, tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bồn chứa Amoniac có thể tích 212m3, đường kính bể chứa 4,1m, chiều dài bể là 14,69m, khối lượng hóa chất trong bể chứa 130 tấn, bình đầy 90,3% bị nứt đường ống dẫn khu vực trước van an toàn, Amoniac từ bể chứa liên tục thoát ra môi trường bên ngoài tạo thành vùng nhiễm độc nguy hiểm lan theo hướng gió; thời điểm hiện tại gió thổi theo hướng Đông Nam, vận tốc gió 2,5 đến 3 m/s, nhiệt độ mặt đất 300C; đối lưu nhẹ.

Thực hành ứng phó với sự cố trải qua các giai đoạn: Lực lượng tại chỗ của nhà máy kiểm tra xác định khu vực bị rò rỉ hóa chất, xử trí bước đầu sự cố, báo cáo Sở Công Thương; Sở Công Thương báo cáo, đề nghị Ban Chỉ huy PTDS tỉnh huy động lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành liên quan tăng cường ứng phó; các lực lượng tổ chức ứng phó.

 Các đại biểu dự diễn tập xử trí tình huống sự cố hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Các đại biểu dự diễn tập xử trí tình huống sự cố hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hơn 500 người gồm cán bộ, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ của nhà máy; cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, dân quân cơ động địa phương, Tiểu đoàn phòng hóa 38 (Bộ tổng Tham mưu), Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395) Quân khu 3; cán bộ, nhân viên các sở, ngành của tỉnh, huyện Thái Thụy và 52 phương tiện, thiết bị hiện đại tham gia xử lý tình huống.

Các lực lượng đã tiến hành sơ tán cán bộ, công nhân, người lao động làm việc trong nhà máy, báo cáo sự cố; thực hiện phương án ứng phó sự cố theo kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt; bảo vệ, phân luồng giao thông, cách ly vùng nguy hiểm; dập khí phát tán bằng nước; tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị nạn; kiểm tra mức độ lan tỏa khí độc; thu gom chất thải nguy hại từ bể đê bao bồn Amoniac chứa mang đi xử lý; tiêu tẩy độc cho người, phương tiện và môi trường ngay sau sự cố được khắc phục hoàn toàn.

 Các lực lượng tham gia chữa cháy tại khu vực xảy ra sự cố hóa chất.

Các lực lượng tham gia chữa cháy tại khu vực xảy ra sự cố hóa chất.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia, sau 60 phút diễn tập với sự nỗ lực của tất cả các lực lượng, buổi diễn tập đã diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm các yêu cầu về nghiệp vụ, an toàn tuyệt đối về người, phương tiện trong suốt quá trình diễn tập, góp phần để nhà máy ổn định sản xuất.

Thông qua diễn tập tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là cơ sở để nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, điều hành và chỉ huy trong triển khai phương án ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, vào sáng cùng ngày (19/7), Ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự (PTDS) ứng phó với bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thái Bình tổ chức khai mạc diễn tập PTDS tỉnh năm 2024.

 Khai mạc diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024.

Khai mạc diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024.

Với đề mục “Tỉnh Thái Bình phối hợp với Quân khu 3 và các lực lượng có liên quan tổ chức phòng thủ dân sự ứng phó bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn”, cuộc diễn tập PTDS tỉnh được thực hiện ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Trong thời gian một ngày, cuộc diễn tập thực hiện hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là diễn tập vận hành cơ chế; giai đoạn 2, thực hành ứng phó siêu bão và tìm kiếm cứu nạn.

Tại giai đoạn 1, cuộc diễn tập thực hiện 3 vấn đề huấn luyện gồm: Cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Bình nhận định, đánh giá tình hình, triển khai nhiệm vụ phòng thủ dân sự ứng phó bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn; Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị và chỉ đạo hiệp đồng giữa các lực lượng; Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh xử trí tình huống sạt trượt mái đê, kè tại khu vực kè Hữu Lộc/đê Hữu Trà Lý (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, nội dung này do huyện Vũ Thư chủ trì).

Tại giai đoạn 2, các lực lượng thực hành nội dung gồm: Thông tin, thông báo, cảnh báo bão mạnh, siêu bão; kêu gọi, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; chằng, chống nhà cửa, kho tàng; di dời nhân dân vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức cứu hộ, cứu nạn người và phương tiện bị đắm chìm trên sông, trên biển; thiết lập Sở chỉ huy phía trước của tỉnh Thái Bình. Tiếp đó, là xử trí tình huống sập đổ công trình với tình huống giả định là tòa nhà 9 tầng (Ban Quản lý nhà ở sinh viên, nằm trên địa phận TP Thái Bình bị sập đổ).

Diễn tập PTDS ứng phó bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình năm 2024 là hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực. Thông qua diễn tập, huyện Thái Thụy kịp thời làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào địa bàn, đồng thời nâng cao khả năng hiệp đồng giữa các lực lượng để xử trí tốt các tình huống phát sinh.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-tap-xu-tri-tinh-huong-su-co-hoa-chat-tai-nha-may-nhiet-dien-thai-binh-2-post304146.html