Diện tích nhà ở từ 8m2/người trở lên mới được đăng ký thường trú?

Trong phiên thảo luận Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sáng 21/10, hầu hết Đại biểu Quốc hội đều nhất trí với các nội dung nêu ra trong Dự thảo và Báo cáo giải trình dự án luật, đồng thời ghi nhận nỗ lực của cơ quan soạn thảo dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý kịp thời các nội dung quan trọng.

Cuộc cách mạng trong công tác quản lý về cư trú

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP. Hà Nội) đánh giá cao sự công phu nghiêm túc chuẩn bị, tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Công an đối với Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Theo Đại biểu, Dự thảo Luật có nhiều nội dung đổi mới, đảm bảo chủ trương cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý dân cư, đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện, thay thế việc quản lý cư trú từ Sổ hộ khẩu giấy sang mã số định danh cá nhân.

"Tôi đánh giá cao phương thức quản lý này bởi nó mang lại sự tiện lợi cho người dân, giúp hạn chế sao lưu, lưu giữ các loại giấy tờ, giảm thủ tục hành chính. Có thể nói, đây là cuộc cách mạng trong việc đổi mới quản lý về cư trú" - Đại biểu Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP.Hà Nội) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP.Hà Nội) phát biểu thảo luận

Cho ý kiến về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 20), nhiều đại biểu nhất trí với nội dung trong Dự thảo Luật là cần quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú. Các đại biểu này cũng tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Theo các đại biểu, mức diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) cho rằng, Luật Cư trú (sửa đổi) cần có quy định để đảm bảo đáp ứng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu cho người dân sinh sống trên địa bàn nhất định. Do mỗi tỉnh thành có mức gia tăng dân số cơ học khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng không giống nhau nên để HĐND tỉnh quy định diện tích nhà ở tối thiểu phù hợp với địa phương mình. Luật chỉ quy định hạn mức chung cho địa bàn cả nước là không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Người dân sẽ sử dụng Sổ hộ khẩu đến hết 30/6/2021?

Về điều khoản thi hành (Điều 38), nhiều Đại biểu nhất trí với quy định như trong dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 9 là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021 bởi phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ.

Quy định như vậy cũng nhằm tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo đó, đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan sẽ khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ 1/7/2021.

Đồng tình với nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) tin rằng Bộ Công an đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có nguồn lực, nhân lực để thực hiện nên cần đẩy nhanh tiến độ.

"Việc thực hiện do ý chí từng bộ ngành, Bộ Công an đã tiên phong thực hiện thì các bộ ngành khác cần phối hợp chặt chẽ để triển khai sớm. Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ tiến tới thực hiện Chính phủ số" - Đại biểu Khánh nói.

Bên cạnh đó, một số Đại biểu đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Trong trường hợp này, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Ngoài các nội dung trên, nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú, bổ sung trường hợp bị xóa đăng ký thường trú…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dien-tich-nha-o-tu-8m2nguoi-tro-len-moi-duoc-dang-ky-thuong-tru-post447823.antd