Diễn viên bị quỵt cát-sê, nợ lương: Cục trưởng Cục Điện ảnh, luật sư lên tiếng

Giữa thực trạng nhà sản xuất, đạo diễn 'quỵt' cát-sê ngày càng nhiều, mỗi diễn viên nên tự ý thức bảo vệ mình, đấu tranh đòi quyền lợi, thay vì im lặng để sự việc liên tiếp tái diễn.

Khi nền điện ảnh ngày càng phát triển, sự việc quỵt cát-sê, nợ lương mỗi lúc một nhiều, trở thành “nỗi ám ảnh” với nhiều người trong giới nghệ thuật. Điều này không chỉ ảnh hưởng phạm vi cá nhân mà hơn cả là bộ mặt của ngành điện ảnh nước nhà.

Một nền điện ảnh muốn vững mạnh, rất cần sự chuyên nghiệp, bài bản với 1 hệ thống chuẩn chỉnh từ công tác quản lý đến quy trình làm việc giữa các diễn viên, nhà sản xuất, đoàn phim... Tất cả phải dựa trên sự minh bạch, tuân thủ pháp luật và đạo đức làm nghề.

Xây dựng môi trường làm nghề an toàn, văn minh và chuyên nghiệp

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Trần Cường - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết hiện tượng chậm trả hoặc không thanh toán cát-sê, nợ lương cho diễn viên và người lao động là hành vi vi phạm pháp luật về dân sự và lao động.

Ông Đặng Trần Cường - Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Ông Đặng Trần Cường - Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của những người làm nghề, đặc biệt là lực lượng sáng tạo trong ngành điện ảnh.

“Cục Điện ảnh không đứng ngoài trước thực trạng này. Chúng tôi luôn quan điểm rằng: Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động điện ảnh đều phải tuân thủ hợp đồng đã ký, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ tài chính đối với các thành phần tham gia sản xuất phim, trong đó có diễn viên và người lao động”, ông Cường bày tỏ.

Trước câu hỏi: Ở vị trí quản lý, Cục trưởng có hỗ trợ cũng như giải pháp ra sao trong việc bảo vệ quyền lợi diễn viên, người lao động?

Ông Đặng Trần Cường cho biết nguyên tắc nhất quán của Cục Điện ảnh là bảo đảm minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mọi chủ thể tham gia hoạt động điện ảnh, đặc biệt là lực lượng sáng tạo - nhóm người tạo ra giá trị nền tảng cho điện ảnh nước nhà.

Về mặt pháp lý, Luật Điện ảnh năm 2022 đã có quy định về quyền và nghĩa vụ của các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên và các thành phần khác trong đoàn làm phim.

Các tranh chấp liên quan đến cát-sê, thù lao là vấn đề dân sự - lao động, thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động và thẩm quyền giải quyết của tòa án, thanh tra chuyên ngành.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Cục Điện ảnh không có thẩm quyền xử lý tranh chấp.

Tuy nhiên, Cục luôn chủ động tiếp nhận phản ánh từ nghệ sĩ, người lao động, phối hợp với các hội nghề nghiệp để hỗ trợ tư vấn, kết nối pháp lý khi cần thiết.

Cơ quan quản lý luôn tuyên truyền và yêu cầu các đơn vị sản xuất thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết, đặc biệt trong vấn đề thanh toán thù lao, nghĩa vụ tài chính.

Bên cạnh đó, ghi nhận và phối hợp công khai các đơn vị vi phạm nghiêm trọng có xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền nhằm giúp nghệ sĩ, người lao động cân nhắc khi hợp tác.

“Cục Điện ảnh cam kết sẽ đồng hành, lắng nghe, chủ động trong phạm vi chức năng quản lý chuyên ngành để góp phần xây dựng môi trường làm nghề an toàn, văn minh và chuyên nghiệp hơn cho đội ngũ làm điện ảnh”, người đứng đầu Cục nêu quan điểm.

Nghệ sĩ nên tự bảo vệ mình bằng nhiều cách

Luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết pháp luật không quy định cụ thể các điều khoản của hợp đồng nói chung, hợp đồng nghệ thuật nói riêng.

Luật sư Trương Văn Tuấn cho rằng nghệ sĩ nên chủ động bảo vệ mình trong quá trình làm việc.

Luật sư Trương Văn Tuấn cho rằng nghệ sĩ nên chủ động bảo vệ mình trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, để tránh việc quỵt tiền, chậm trả… khi đàm phán ký kết hợp đồng, diễn viên, nghệ sĩ cần chú ý quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng các điều khoản quy định như: Thời gian thanh toán; mức cát-sê cụ thể; các trường hợp phạt vi phạm hợp đồng với mức phạt cụ thể; lãi chậm thanh toán…

Quá trình ký hợp đồng, nếu có bất kỳ điều khoản nào không rõ ràng hoặc cảm thấy bất lợi, hãy yêu cầu giải thích hoặc điều chỉnh (nhất là đối với Hợp đồng mẫu).

Ngoài ra, diễn viên và nghệ sĩ nên tự bảo vệ mình bằng nhiều cách. Trước khi nhận lời bất kỳ dự án nào, hãy tìm hiểu kỹ về uy tín, lịch sử thanh toán của nhà sản xuất, đơn vị mời làm việc.

Quá trình thực hiện hợp đồng, nghệ sĩ, diễn viên cần lưu giữ các chứng từ thanh toán như phiếu thu, biên lai, xác nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc bất kỳ hình thức nào xác nhận đã nhận được tiền để làm bằng chứng bảo vệ mình trước cơ quan pháp luật trong trường hợp xảy ra tranh chấp đối với các điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hay lãi chậm trả khi nhà sản xuất chậm trễ trong việc thanh toán tiền cát-sê.

Trường hợp nhà sản xuất có dấu hiệu quỵt cát-sê, diễn viên có thể thông báo nhắc nhở bằng văn bản (hoặc mail, tin nhắn). Nếu không nhận được phản hồi hoặc thiện chí giải quyết có thể khởi kiện ra tòa.

Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM cho rằng việc làm thế nào để ngăn chặn tối đa nợ thù lao cũng như đảm bảo quyền lợi người lao động trong lĩnh vực điện ảnh là bài toán nan giải chung cho tất cả giới làm nghề hiện nay.

“Hội khuyên các bạn khi ký hợp đồng phải đọc kỹ, có thể nhờ tư vấn nếu không nắm rõ luật. Chúng tôi đã lập 1 tổ tư vấn pháp lý, có luật sư là diễn viên am hiểu công việc nghệ thuật nhưng không có ai tìm đến”, bà Thúy cho biết.

Bà Thúy mong sắp tới cơ quan quản lý nhà nước phải có những biện pháp, cách làm mạnh mẽ, đồng thời đưa ra chế tài răn đe đối với các nhà sản xuất làm sai để họ nhận thấy trách nhiệm mà hành xử đúng luật và đạo đức.

Dàn diễn viên phim "Giấc mơ của mẹ" trên phim trường.

Dàn diễn viên phim "Giấc mơ của mẹ" trên phim trường.

Ảnh: Tư liệu

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-dien-vien-bi-quyt-cat-se-rat-can-che-tai-ran-de-manh-me-2418519.html