Diễn viên Hoàng Trinh: Tài năng của làng kịch nghệ

Đã tham gia hơn 200 vai diễn qua các vở kịch sân khấu, truyền hình, diễn viên Hoàng Trinh là gương mặt tiêu biểu của thế hệ nghệ sĩ dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật biểu diễn. Với tài năng thiên bẩm, chị có khả năng diễn xuất đa dạng, hóa thân vào nhiều nhân vật, nhiều thể loại vai khác nhau.

Năm 1995, diễn viên Hoàng Trinh đoạt giải Mai Vàng với vai diễn Hoa Na trong vở kịch nói nổi tiếng “Hào quang và bóng tối” cùng nhiều giải thưởng khác. Tại Liên Hoan Sân Khấu TPHCM lần 1 - 2024 vừa diễn ra, trong vai phu nhân Đỗ Thị Phận - vở “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt” chị đã đoạt Huy chương Bạc.

Tinh Hoa Việt trò chuyện với diễn viên Hoàng Trinh, về văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, qua trải nghiệm của chị.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề may, là con gái của ông chủ tiệm Việt Dũng nổi tiếng trên đường Pasteur, Quận 1 - cũng là nơi sầm uất bậc nhất thành phố, chị có thể chia sẻ về tuổi thơ của mình bên bố mẹ và gia đình?

Diễn viên Hoàng Trinh.

Diễn viên Hoàng Trinh.

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong một gia đình làm nghề may. Gia đình tôi bình thường như bao gia đình khác và ở đó luôn ấm áp tình yêu thương. Tiệm may của gia đình với tên hiệu là nhà may Việt Dũng chuyên may quần jeans, đồ vest, đầm, áo kiểu. Bố mẹ tôi khéo tay lắm, vì vậy mà rất nhiều khách hàng tin tưởng và thường xuyên đến đặt may.

Là con của nhà may có tiếng, nhưng mỗi năm, anh chị em tôi mỗi người chỉ được may cho một ít đồ mới mà thôi. Vỏn vẹn có hai bộ mặc trong nhà và hai bộ đồ kiểu để diện đi chơi Tết. Chắc cũng bởi anh chị em tôi rất đông và cũng còn phải may đồ để kịp giao cho khách, nên bố mẹ tôi không may đồ cho các con được nhiều hơn. Nhưng tôi luôn thấy mình rất may mắn và hạnh phúc vì là con của bố mẹ.

Bố mẹ tôi luôn yêu thương, quan tâm và hy sinh cho các con. Và cũng chính vì vậy mà các anh chị em tôi luôn quan tâm nhau, đỡ đần nhau cho đến tận bây giờ dù mỗi người đã có gia đình riêng, dù tóc đã điểm bạc.

Sống, trưởng thành giữa nơi phồn hoa đô hội, nơi có nhiều tụ điểm giải trí như nhà hát, sân khấu, chị có thể chia sẻ những tiếp xúc đầu tiên của chị với sân khấu nói riêng và nghệ thuật thời kỳ đó nói chung?

- Tôi đến với nghệ thuật vì yêu thích được sống trong nhiều hoàn cảnh, nhiều cuộc đời khác nhau. Ngày ấy, tôi chỉ đơn giản muốn thử sức mình, để tìm kiếm niềm vui và những trải nghiệm mới. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với con đường này lâu dài đến thế, nhưng rồi từng vai diễn, từng sự đón nhận của khán giả đã giữ tôi ở lại với nghề.

Sài Gòn – TPHCM là cái nôi của nghệ thuật. Những sân khấu đầy ánh đèn, những tác phẩm hay luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho bất kỳ ai yêu nghệ thuật, và tôi không ngoại lệ. Được bước lên sân khấu, được hòa mình vào không khí nghệ thuật thời ấy là một trải nghiệm tuyệt vời mà tôi luôn trân trọng.

Nhờ được hóa thân vào từng nhân vật, tôi như được sống thêm nhiều cuộc đời khác. Những vui buồn, hỉ nộ ái ố của nhân vật giúp tôi hiểu hơn về cuộc đời và về chính mình. Điều đó khiến tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, giàu cảm xúc hơn. Tôi nhận ra rằng mỗi vai diễn không chỉ là một câu chuyện, mà còn là cơ hội để tôi trải nghiệm, học hỏi và trưởng thành.

NS Hoàng Trinh (giữa hàng ngồi) - vai Tú Bà Lã Thu - vở Dưới Bóng Giai Nhân của Nhà hát kịch Idecaf.

NS Hoàng Trinh (giữa hàng ngồi) - vai Tú Bà Lã Thu - vở Dưới Bóng Giai Nhân của Nhà hát kịch Idecaf.

Vì sao chị chọn đi trên con đường nghệ thuật nhiều khó khăn và thử thách này?

- Tôi luôn nghĩ rằng, trong cuộc sống, không có điều gì là dễ dàng cả. Nghệ thuật là một con đường đầy thử thách, nhưng chính những thử thách ấy đã giúp tôi trưởng thành và vững vàng hơn. Đã chọn con đường này, tôi nghĩ mình cần đam mê trọn vẹn với nó. Dù có khó khăn, tôi luôn tự nhủ rằng chỉ cần giữ vững đam mê, mình sẽ tìm được niềm vui và ý nghĩa trong công việc. Và quả thật, những năm tháng gắn bó với sân khấu đã mang lại cho tôi nhiều điều quý giá mà không nơi nào khác có thể mang lại.

Chị có thể chia sẻ về những vai diễn đầu tiên của chị? Và những kỷ niệm không thể nào quên trong bối cảnh lịch sử, xã hội thành phố thời gian đó?

- Vai diễn đầu tiên trên sân khấu của tôi là July - con gái ông chủ thầu trong vở “Bá tước Monte Cristo”, được diễn tại Nhà hát Thành phố. Còn trên truyền hình, vai đầu tiên của tôi là một cô bé trong vở “Nhật Xuất”.

Ngày đó, mỗi lần bước lên sân khấu hay xuất hiện trên màn ảnh đều là một trải nghiệm mới mẻ với tôi. Tôi nhớ mãi cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng cũng đầy hứng khởi khi được sống trong thế giới của nhân vật. Những kỷ niệm ấy, dù đã qua nhiều năm, vẫn in sâu trong tâm trí tôi, như một phần ký ức không thể nào quên của thời thanh xuân đầy nhiệt huyết.

NS Hoàng Trinh - vai bà Thắm - vở Tía ơi, má dìa.

NS Hoàng Trinh - vai bà Thắm - vở Tía ơi, má dìa.

Nghệ thuật biểu diễn đã mang lại cho chị điều gì? Chị cũng đã trải qua những gì để có thể gắn bó với nghề, đồng thời cũng là trở thành nghiệp cả cuộc đời chị?

- Đối với tôi, nghệ thuật là nơi tôi tìm thấy niềm vui và sự thăng hoa. Sân khấu không chỉ là nơi tôi biểu diễn, mà còn là nơi tôi sống trọn với cảm xúc của mình. Nhờ nghệ thuật, tôi hiểu hơn về cuộc đời, cảm thông hơn với những hoàn cảnh khác nhau và yêu thương, bao dung hơn với những gì xung quanh.

Để gắn bó được với nghề, tôi đã phải vượt qua không ít khó khăn. Nghề diễn viên đòi hỏi rất nhiều công sức, từ học hỏi, rèn luyện đến đối mặt với áp lực từ công việc và cuộc sống. Nhưng chính nhờ những thử thách đó, tôi ngày càng yêu nghề hơn và càng cố gắng để cống hiến nhiều hơn.

Đằng sau ánh sáng hào quang sân khấu cũng như trên màn ảnh, chị có thể chia sẻ những khó khăn mà nghề diễn phải đối mặt?

- Làm diễn viên không hề dễ dàng. Nghề này đòi hỏi chúng tôi phải cân bằng giữa công việc và gia đình, giữa bản thân và khán giả, và đặc biệt là giữa tuổi tác và nghề nghiệp. Tôi phải luôn giữ cho đầu óc mình minh mẫn, tỉnh táo để ghi nhớ rất nhiều thứ, từ lời thoại, cảm xúc nhân vật cho đến sự phối hợp với bạn diễn.

Khó khăn lớn nhất có lẽ là trách nhiệm. Tôi không chỉ chịu trách nhiệm với bản thân mà còn với các bạn đồng diễn và khán giả. Một khi đã bước lên sân khấu, tôi luôn ý thức rằng mình đang mang cả kỳ vọng và tình cảm của mọi người. Đó là áp lực, nhưng cũng là động lực để tôi không ngừng cố gắng.

Diễn viên Hoàng Trinh (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hoàng Trinh), sinh năm 1968, lớn lên và trưởng thành tại Sài Gòn-TPHCM. Diễn viên Hoàng Trinh tốt nghiệp khoa Kịch nói của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật năm 1991. Kể từ đó, cuộc đời của chị gắn liền với kịch nói, cái nôi đưa chị đến với công chúng yêu nghệ thuật.
Các vở kịch sân khấu, truyền hình mà chị đã tham gia: “Lôi Vũ”, “Ngàn năm tình sử”, “Bí mật vườn Lệ Chi”, “Vua thánh triều Lê”, “Tía ơi má dìa”, “Gươm lạc giữa rừng hoa”, “Tứ đại Mỹ nhân”, “Mặt nạ bong bóng”, “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Lời nguyền phù thủy”, “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt”, “Dưới bóng giai nhân”…

Với 200 vai diễn từ sân khấu đến truyền hình, làm thế nào chị có thể đảm đương từng đó vai diễn?

- Thật sự tôi không nhớ rõ số vai diễn của mình đã tới mức 200 vai hay chưa nhưng tôi cảm thấy biết ơn vì mình đã có cơ hội hóa thân vào nhiều nhân vật đến thế. Làm được điều này, tôi nghĩ, trước hết là nhờ tình yêu nghề. Chính niềm đam mê đã giúp tôi vượt qua những lúc mệt mỏi, áp lực để hoàn thành tốt công việc.

Có những ngày lịch diễn và lịch quay chồng chéo, tôi phải nỗ lực hết mình để sắp xếp thời gian. Não bộ lúc đó như phải "gánh vác" rất nhiều áp lực. Nhưng tôi luôn tự nhủ rằng, mình làm việc vì yêu nghề, và khi đã yêu thì chẳng bao giờ thấy mệt mỏi lâu. Thật lạ là những khi công việc đến tấp nập, tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì tôi không muốn những ngày rảnh rỗi khiến mình nông nổi, hối hận vì không làm được gì ý nghĩa.

Trong những vai diễn ấy, chị thích những vai nào?

- Mỗi vai diễn đều mang đến cho tôi một trải nghiệm riêng, nên tôi khó có thể chọn ra vai nào mà mình yêu thích nhất. Nhưng nếu phải nói, tôi có một chút ưu ái dành cho những vai diễn có chiều sâu tâm lý. Những nhân vật có số phận, có nỗi đau luôn khiến tôi cảm thấy mình được thách thức và đồng cảm sâu sắc.

Đồng thời, tôi cũng yêu những vai diễn vui nhộn, trong sáng dành cho trẻ em. Chúng như đưa tôi trở về với tuổi thơ, với những ký ức đẹp đẽ mà tôi luôn trân trọng. Có lẽ vì thế mà tôi muốn được cả hai, vừa thỏa sức diễn những vai tâm lý nặng, vừa có thể tìm lại sự hồn nhiên qua những nhân vật đáng yêu.

Làm thế nào để chị có thể hóa thân trọn vẹn vào từng nhân vật?

- Tôi luôn quan sát những người xung quanh mình. Mỗi con người đều có một câu chuyện riêng, và đó là chất liệu quý giá để tôi mang vào vai diễn. Khi đóng một nhân vật, tôi thường đặt mình vào vị trí của họ, cảm nhận những gì họ đang trải qua.

Tôi tin rằng, nếu mình thực sự thấu hiểu nhân vật, thì việc thể hiện cảm xúc sẽ trở nên tự nhiên hơn. Và khán giả cũng sẽ cảm nhận được sự chân thật từ diễn xuất của mình. Vì thế, mỗi khi nhận vai, tôi đều dành thời gian nghiên cứu kỹ về nhân vật, từ bối cảnh, hoàn cảnh sống đến tính cách và tâm tư của họ.

NS Hoàng Trinh - vai Mụ 2 trong vở 12 Bà Mụ.

NS Hoàng Trinh - vai Mụ 2 trong vở 12 Bà Mụ.

Mỗi nhân vật có tính cách, sắc thái, cuộc đời, thân phận khác nhau, mà thường nhiều là bi kịch, đau khổ, và cũng nhiều vai diễn ngây thơ vui nhộn dành cho trẻ em. Chị thấy mình hợp nhất với những vai diễn như thế nào?

- Mỗi loại vai đều có cái hay riêng, và tôi cảm thấy mình may mắn khi có cơ hội trải nghiệm cả hai. Những vai bi kịch, đau khổ giúp tôi tích lũy thêm kinh nghiệm sống, hiểu hơn về những góc khuất của cuộc đời. Chúng khiến tôi trở nên sâu sắc hơn, đồng cảm hơn với những nỗi đau của con người.

Ngược lại, những vai diễn ngây thơ, vui nhộn lại như liều thuốc tinh thần, giúp tôi sống lại những ngày thơ ấu. Chúng khiến tôi cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Vì thế, nếu có thể, tôi luôn muốn được thể hiện cả hai dạng vai này, để vừa thử thách bản thân vừa tìm thấy niềm vui trong nghề. Có lẽ tôi hơi tham lam, nhưng đó là cách tôi yêu nghề của mình.

Không có "hào quang sáng chói" như những ngôi sao kịch nghệ khác, nhưng nhắc tới kịch TPHCM là phải nhắc tới Hoàng Trinh. Chị có thể chia sẻ cảm nhận về điều này?

- Thật sự, tôi không dám nhận về mình điều này. Tôi chỉ là một diễn viên yêu nghề, cố gắng sống và làm việc đúng với đam mê của mình. Khi nhắc đến kịch Sài Gòn, có lẽ có nhiều nghệ sĩ tài năng hơn xứng đáng được nhớ đến.

Tôi chỉ mong rằng, những gì mình đã làm, những vai diễn mình đã cống hiến, sẽ phần nào mang lại niềm vui và ý nghĩa cho khán giả. Điều đó với tôi đã là một niềm hạnh phúc lớn.

Khi nói về chị, nhiều đồng nghiệp đều trân trọng nhắc tới chị là diễn viên tài năng và khiêm tốn, chỉ biết thầm lặng cống hiến vì đam mê nghệ thuật. Chị nhìn nhận việc ấy ra sao?

- Nếu được nghe những lời nhận xét như vậy, tôi thực sự rất biết ơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì tình yêu thương và sự công nhận mà mọi người dành cho mình. Nhưng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải giữ vững sự khiêm tốn, bởi vì nghệ thuật là một con đường dài, và tôi vẫn còn nhiều điều cần học hỏi.

Bên cạnh đam mê với nghề, chị còn là người mẹ hết lòng hi sinh vì con cái. Làm thế nào để chị cân bằng được giữa tình yêu nghề và tình yêu gia đình?

- Đối với tôi, tình yêu nghề và tình yêu gia đình luôn song hành, bổ trợ cho nhau. Nghề diễn viên đã giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê cháy bỏng từ thuở nhỏ, cho tôi được sống trong những nhân vật, những số phận đa dạng mà nếu không làm nghề này, có lẽ tôi không bao giờ trải nghiệm được.

Còn gia đình là điểm tựa, là nơi mà sau mỗi buổi diễn hay ngày làm việc mệt nhọc, tôi được trở về, tìm thấy sự an ủi, sẻ chia và niềm vui ấm áp. Gia đình không chỉ giúp tôi cân bằng cuộc sống mà còn là nguồn động viên lớn nhất để tôi tiếp tục bước đi trên con đường nghệ thuật đầy thử thách.

Cân bằng giữa nghề nghiệp và gia đình chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý nhất để không bỏ lỡ bất kỳ trách nhiệm nào. Gia đình luôn là ưu tiên hàng đầu, vì đó là nơi cho tôi sự bình yên và động lực. Tôi thường chăm lo mọi thứ cho tổ ấm trước khi rời nhà để đi diễn.

Ngược lại, khi đã đứng trên sân khấu hay trước máy quay, tôi sẽ toàn tâm toàn ý với công việc, vì tôi tin rằng chỉ khi làm hết mình, tôi mới có thể mang lại niềm vui và ý nghĩa cho khán giả. Cân bằng giữa hai điều này đôi khi rất khó, nhưng tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng mỗi vai trò đều quan trọng, và mình cần làm tròn cả hai.

Chị có thể chia sẻ về một ngày bình thường và một ngày khi chị phải chuẩn bị cho vở diễn mới?

- Ngày bình thường của tôi bắt đầu bằng việc chăm sóc gia đình. Từ việc nấu ăn, dọn dẹp đến chuyện trò cùng các thành viên trong nhà, tôi luôn cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể để khi bước ra khỏi cửa, lòng mình được nhẹ nhàng, thoải mái.

Còn những ngày chuẩn bị cho vở diễn mới thì khác hẳn. Tôi dành rất nhiều thời gian cho việc đọc kịch bản, nghiên cứu nhân vật, và thậm chí là trò chuyện với đạo diễn, bạn diễn để hiểu hơn về vai diễn. Đôi khi tôi tự thử diễn trước gương để cảm nhận cảm xúc của nhân vật. Đây là khoảng thời gian rất đặc biệt, vì nó giống như mình đang "làm bạn" với nhân vật, dần hiểu và hòa mình vào họ.

Thời gian này, cuộc sống đời thường và cuộc sống nghệ thuật của chị đang diễn ra thế nào?

- Hiện tại, mọi thứ trong cuộc sống của tôi vẫn diễn ra bình thường như bao năm qua. Có những nỗi buồn, những khó khăn, nhưng tôi luôn cố gắng xếp chúng lại một góc trong ký ức để tiếp tục sống và làm việc.

Tôi tìm thấy niềm vui trong công việc, từ những buổi tập kịch đến những ngày quay phim, và cả những khoảnh khắc bên gia đình, bạn bè. Tôi tin rằng, khi mình biết tìm hạnh phúc trong những điều giản dị, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Còn dự định/kế hoạch của chị về nghệ thuật thì sao?

- Thật ra, tôi chưa bao giờ có những dự định hay kế hoạch lớn lao trong sự nghiệp. Từ trước đến nay, tôi chỉ biết làm nghề với tất cả đam mê và cố gắng hết mình để mỗi vai diễn đều để lại dấu ấn.

Tôi không nghĩ quá xa, chỉ biết rằng, chừng nào còn được khán giả đón nhận, chừng đó tôi sẽ tiếp tục diễn. Nghệ thuật là cuộc đời tôi, và tôi muốn gắn bó với nó cho đến khi nào mình không thể làm nữa.

Xin cảm ơn chị và chúc các vai diễn của chị tiếp tục tỏa sáng và đón nhận nhiều tình yêu thương từ công chúng!

VIỆT QUỲNH (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dien-vien-hoang-trinh-tai-nang-cua-lang-kich-nghe-10296752.html