Diễn viên Hứa Thanh Tú: Dùng nghệ thuật để chia sẻ thông điệp tích cực

Hoạt động sân khấu từ khi còn là sinh viên, Hứa Thanh Tú là gương mặt quen thuộc trong nhiều sự kiện nghệ thuật của Viện Pháp tại Hà Nội.

Cô là diễn viên được chọn đảm nhiệm vai chính - người kể chuyện trong hai vở nhạc kịch được đầu tư công phu “Chuyện người lính” (2021) và “Hoàng tử bé” (2023), gây ấn tượng với chất giọng truyền cảm và gương mặt rất “ăn hình”.

- Chào Hứa Thanh Tú, chưa phải là một ngôi sao nhưng Tú đã 2 lần được Viện Pháp mời làm người dẫn chuyện cho hai dự án nhạc kịch đình đám của họ là “Chuyện người lính” và “Hoàng tử bé”. Hẳn đây cũng là trải nghiệm đặc biệt đối với Tú?

- Chào Hứa Thanh Tú, chưa phải là một ngôi sao nhưng Tú đã 2 lần được Viện Pháp mời làm người dẫn chuyện cho hai dự án nhạc kịch đình đám của họ là “Chuyện người lính” và “Hoàng tử bé”. Hẳn đây cũng là trải nghiệm đặc biệt đối với Tú?

- Đây là hai vở nhạc kịch được chuyển thể từ hai tác phẩm văn học rất nổi tiếng nên rất được công chúng chú ý. Diễn viên như người “sáng tác”, mang đến cho tác phẩm một đời sống mới, phiên bản mới theo cách cảm nhận của mình.

Lần trước, Tú tham gia nhạc kịch “Chuyện người lính” với vai trò là thành viên của xưởng ATH; với vở nhạc kịch “Hoàng tử bé” mới đây, Tú được mời hoàn toàn với vai trò cá nhân. Ở nhạc kịch “Hoàng tử bé”, Tú được biểu diễn cùng tác giả là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng người Pháp Monsieur Marc Oliver Dupin cùng với 55 nhạc công. Đây là một trải nghiệm rất thú vị đối với tôi.

- Với vốn tiếng Pháp dày dặn cộng với việc làm chủ sân khấu, làm chủ kịch bản, Hứa Thanh Tú đã chinh phục không chỉ người xem mà còn cả các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam và Pháp, những người cùng tham gia vở diễn...

- Thực tế là tôi đã trải qua không ít khó khăn khi luyện tập hai tác phẩm này. Cả hai đều có điểm đặc biệt, đó là mình vừa là người dẫn chuyện vừa phải đảm nhiệm nhiều vai diễn xuyên suốt vở. Ở vở “Hoàng tử bé”, các phân cảnh diễn ra liên tục, đòi hỏi mình phải bắt kịp nhạc. Các nghệ sĩ Pháp cũng không có nhiều thời gian tập luyện tại Việt Nam, vì vậy, để làm được điều này, tôi phải rất tập trung trong khi luyện tập cùng dàn nhạc.

Đặc biệt, trong vở này, tôi rất may mắn khi được biểu diễn cùng nhạc trưởng nổi tiếng Monsieur Marc Oliver Dupin. Ông là người viết nhạc kiêm chỉ huy dàn nhạc cho vở nên đã giúp chúng tôi nhanh chóng nắm bắt được ý tưởng nghệ thuật và biểu diễn tốt hơn.

- Tú đang là thành viên của xưởng nghệ thuật ATH, nơi đã đưa Thanh Tú đến với những thử nghiệm sân khấu. Đây cũng là mô hình hoạt động nghệ thuật rất thú vị của các bạn trẻ?

- Xưởng ATH tại 47 Quảng Khánh là một địa chỉ văn hóa, hoạt động nghệ thuật bằng hình thức biểu diễn sân khấu, bên cạnh đó là tổ chức các lớp học diễn xuất kịch, nhạc kịch, những buổi trình diễn mang tính thể nghiệm.

Với ATH, chúng tôi đã góp phần tạo nên một cộng đồng yêu nghệ thuật, đề cao tính tập thể khi cùng nhau biểu diễn. Ban đầu ATH có 18 thành viên, nhưng một số bạn người nước ngoài đã về nước nên hiện chỉ còn 12 người.

Chúng tôi đang có ý tưởng dàn dựng những câu chuyện lấy cảm hứng từ dân gian như "Lạc Long Quân, Âu Cơ", "Lang Liêu", "Sự tích trầu cau?”... bằng hình thức song ngữ, kết hợp âm nhạc để có thể giới thiệu đến đông đảo khán giả hơn nữa.

- Hình thức kịch diễn đàn - khán giả tham gia và có ảnh hưởng tới buổi biểu diễn với tư cách vừa là người diễn vừa là người xem - đang được ATH đầu tư dàn dựng, hướng đến những cộng đồng khác nhau trong xã hội. Thanh Tú có thể giới thiệu về dự án hiện tại của xưởng ATH?

- Xưởng ATH cũng như Tú luôn mong mỏi có thể dùng nghệ thuật để tham gia tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ của các cộng đồng yếu thế trong xã hội. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng các tác phẩm kịch diễn đàn về chủ đề “Quấy rối tình dục ở nơi làm việc” và sẽ kết hợp với các doanh nghiệp để đi diễn tại các nhà máy, khu sản xuất.

Tác phẩm mà chúng tôi đang dàn dựng có tên “Làm hoa cho người ta hái”. Hình thức kịch diễn đàn gồm hai phần: Phần 1 sẽ diễn về tình huống, phần 2 là diễn đàn, cùng trao đổi về cách xử lý tình huống theo nhiều cách khác nhau và được minh họa bằng việc diễn xuất của diễn viên hay khách mời. Mỗi buổi biểu diễn phục vụ khoảng 100 công nhân.

Chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để có thể mang tác phẩm của mình đến với nhiều nhà máy, nhiều anh chị công nhân hơn, nhằm chia sẻ những thông điệp tích cực đến mọi người. Thông qua nghệ thuật, những câu chuyện về nạn quấy rối tình dục sẽ được chia sẻ một cách tế nhị nhưng không kém phần sâu sắc.

- Trân trọng cảm ơn Hứa Thanh Tú!

Từ khi là sinh viên năm thứ nhất khoa Tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hứa Thanh Tú đã là thành viên tích cực của một nhóm nghệ thuật tại Viện Pháp. Ở đây, Hứa Thanh Tú được trải nghiệm dàn dựng, viết nhạc, làm diễn viên qua những vở nhạc kịch bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Thay vì ở lại trường làm giảng viên, cô quyết tâm hiện thực hóa ước mơ làm diễn viên của mình bằng cách tham gia hoạt động tại xưởng nghệ thuật ATH sau khi kết thúc chương trình đào tạo thanh nhạc tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dien-vien-hua-thanh-tu-dung-nghe-thuat-de-chia-se-thong-diep-tich-cuc-638612.html