Diễn viên Kim Tuyến: Tôi có chút áp lực khi nhận danh hiệu NSƯT
Gần 20 năm hoạt động nghệ thuật, bắt đầu từ ngôi vị Á quân chương trình 'Phụ nữ thế kỷ 21', giờ đây Kim Tuyến đã trở thành gương mặt quen thuộc của nhiều phim truyền hình và điện ảnh.
Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú mà chị nhận được vào tháng 3/2024 là sự ghi nhận cho những nỗ lực nhiều năm qua.
Và với chị, đi đâu làm gì, cũng không bao giờ được quên một điều: Không được phép để khán giả thất vọng.
Tình cảm của khán giả là món quà lớn nhất
Gần 20 năm tham gia lĩnh vực nghệ thuật, nhân vật trong phim nào khiến chị thấy tâm đắc nhất?
Những bộ phim mang màu sắc gia đình mà tôi tham gia đều rất được khán giả quan tâm. Mỗi bộ phim lại khai thác một hình mẫu nhân vật khác nhau.
Nhưng trong 20 năm qua, tôi cảm thấy tâm đắc nhất là vai diễn Ba Trang trong bộ phim "Mộng phù hoa" của đạo diễn Bùi Nam Yên, sản xuất năm 2019. Một vai diễn nói về thân phận người phụ nữ, với rất nhiều nội tâm không dễ gì bộc lộ.
Đặc biệt khi được làm việc chung với đạo diễn Bùi Nam Yên là đạo diễn rất giỏi trong việc khai thác nội tâm, bộ phim được đầu tư chỉn chu về cảnh trí, bối cảnh.
Bộ phim được quay ở Đà Lạt suốt 5 tháng nên tôi có đủ thời gian và điều kiện để tập trung 300% sức lực cho vai diễn nên cảm nhận sâu sắc về nhân vật.
Trên hành trình 20 năm hoạt động nghệ thuật, chị đã giành được bao nhiêu giải thưởng, ngoài danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú mới đây?
Đến nay, tôi có 5 giải thưởng trong lĩnh vực phim truyền hình. Tôi có duyên với giải thưởng Cánh diều vàng. Đó là Cánh diều vàng ở hạng mục Nữ diễn viên chính phim truyền hình xuất sắc (2009, 2010), Nữ diễn viên phụ phim truyền hình xuất sắc (2016).
Tôi còn có một giải thưởng Ngôi sao xanh cho hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc giải phim truyền hình và một giải Nữ diễn viên xuất sắc tại liên hoan phim quốc tế.
Tôi nghĩ, nỗ lực của bản thân là một phần, còn lại có sự may mắn. Những bộ phim tôi góp mặt và giành giải thưởng đều là những bộ phim gây tiếng vang, nhận được sự quan tâm của công chúng.
Trong mỗi bộ phim, diễn viên chỉ là một phần nhỏ trong một tập thể. Tôi may mắn được tham gia vào các bộ phim mà ở đó tập thể làm phim là những người ưu tú, có sự đầu tư bài bản từ nội dung kịch bản, bối cảnh đến thời điểm ra mắt phim phù hợp. Tôi hay nói là mình "được Tổ nghề thương".
Với tôi, những giải thưởng đó khiến mình cảm thấy vui, song cũng là một sự nhắc nhở về thái độ, mục tiêu làm nghề.
Món quà tôi dành cho khán giả là sự nỗ lực không ngừng nghỉ và cái tâm đối với nghề. Và khi nhận được sự yêu thương của khán giả, đó là món quà lớn nhất của tôi.
Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là một áp lực
Đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ở tuổi 36, Kim Tuyến cảm thấy thế nào?
Một danh hiệu cấp Nhà nước phải xét tuyển qua 4 cấp. Nên những người được ghi nhận phải là những người xứng đáng. Khi người nghệ sĩ đạt danh hiệu này thì họ phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Đây là vinh dự và là niềm vui rất lớn đối với tôi. Từ khi bước vào nghề, tôi chỉ biết làm hết mình, làm có trách nhiệm và với tất cả sự đam mê. Khi đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, tôi cũng nghĩ đó là một áp lực, phải làm sao để xứng đáng với danh hiệu này.
Đó sẽ là một chặng đường mới, một hành trình mới. Và chắc chắn, đi đâu làm gì, tôi cũng không bao giờ được quên một điều: Không được phép để khán giả thất vọng. Những gì tôi làm đều phải xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Trong tương lai, chị còn điều gì chị muốn chinh phục trên con đường nghệ thuật?
Khi một diễn viên đã sống hết mình với đam mê, không chỉ tôi mà các đồng nghiệp khác cũng vậy, sẽ luôn khát khao có những vai diễn lớn.
Tôi vẫn đang chờ đợi vai diễn nào đó có nội tâm sâu sắc, có góc khuất. Bất kì ai, dù có địa vị xã hội thế nào, họ cũng có những nỗi niềm. Tôi muốn có thể truyền tải những câu chuyện như vậy.
Trước đây, tôi chỉ đảm nhận vai trò diễn xuất trên phim trường, nhưng bây giờ tôi muốn đi sâu hơn, đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực diễn xuất. Kế hoạch trong năm nay, tôi sẽ ra Hà Nội để học thạc sĩ. Trước mắt, tôi muốn học thật nhiều để có kiến thức rộng, cả về chuyên môn và đào tạo.
Muốn thành công phải giao lưu, học hỏi
Có một thực tế là phim Việt Nam có thể có doanh thu rất lớn ở trong nước nhưng khi ra quốc tế thì gần như rất ít người biết đến, hoặc có thì chỉ phục vụ cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi rất mong cơ quan quản lý tổ chức nhiều cuộc giao lưu gặp gỡ giữa các nghệ sĩ Việt Nam với các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ… Đó là những nước có ngành công nghiệp phim ảnh rất phát triển, đầy sức hấp dẫn.
Việc được giao lưu học hỏi sẽ giúp các nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo. Không học hỏi từ quốc tế thì các sản phẩm của Việt Nam rất khó ra quốc tế, tiếp cận với số lượng khán giả lớn hơn. Việc học hỏi sẽ giúp chúng ta tìm ra công thức cho phim Việt, để đưa phim Việt tiến xa hơn nữa.
Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, họ đầu tư cho phim truyền hình rất lớn. Thông qua những bộ phim như vậy, họ đã tạo nên "làn sóng Hallu". Sau khi xem phim, khán giả ở nhiều nước đã cùng tạo nên trào lưu dùng đồ Hàn Quốc, ăn đồ Hàn Quốc, biết đến Hàn Quốc nhiều hơn.
Cám ơn chị!
Diễn viên Kim Tuyến sinh năm 1987, bắt đầu làm người mẫu quảng cáo từ năm 16 tuổi. Năm 2006, Kim Tuyến tham gia cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21. Chương trình này còn có sự tham gia của Lã Thanh Huyền, Hà Hương, Á hậu Ngọc Lan… Thời điểm đó, Kim Tuyến mới 19 tuổi đã giành giải Nhì chung cuộc. Sau cuộc thi, cô trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều lời mời đóng phim.
Bên cạnh phim truyền hình, Kim Tuyến góp mặt trong một số phim điện ảnh như "Cát nóng", "Ngủ với hồn ma"…