Diễn viên Thanh Quý: Muốn được đóng vai khổ mà béo tốt nên chỉ toàn vai 'ăn trên ngồi trốc'
'Tôi muốn được đóng những vai chịu thương chịu khó, vật vã mưu sinh để chia sẻ với phụ nữ Việt Nam, nhưng chắc chẳng có cơ hội. Bệnh tật thì có nhưng mặt mũi tôi cứ béo tốt thế này thì toàn đóng vai 'ăn trên ngồi trốc', đanh đá, sành sỏi thôi' - diễn viên gạo cội Thanh Quý chia sẻ.
Từng có ý định dừng đóng phim
Được biết thời điểm quay những cảnh cuối của “Cả một đời ân oán”, chị bị tai nạn nên có ý định dừng đóng phim?
- Thực ra, khi quay những cảnh cuối của “Cả một đời ân oán”, tôi bước hụt cầu thang và ngã gãy xương bàn chân, phải bó bột. Cũng may phim gần quay xong nên những cảnh sau đó đạo diễn cho tôi ngồi diễn, hoặc đứng diễn.
Nếu là mấy năm trước còn khỏe thì chắc không sao nhưng mấy năm gần đây sức khỏe tôi không được tốt, sau cú ngã càng cảm thấy sức khỏe giảm đi nhiều. Vì thế tôi đã nghĩ: Thôi không đi làm nữa, nghỉ. Nhưng lại vẫn vướng phim sitcom nên vẫn cố đi làm cho xong để còn nghỉ.
Vậy lý do gì khiến chị lại nhận lời tham gia “Nàng dâu order”?
- Thú thật, khi nhận được lời mời tham gia “Nàng dâu order” tôi đã từ chối. Một phần vì tôi muốn được nghỉ ngơi; một phần vì nghĩ diễn viên cũng “có thì”, đòi hỏi phải sáng tạo và đổi mới. Tôi làm diễn viên bao năm, đến tuổi này rồi không còn sức để sáng tạo, cứ diễn lặp đi lặp lại, tự bản thân thấy mình không làm được gì mới mà cứ tra tấn khán giả mãi thì không nên (cười).
Nhưng rồi lại bị đoàn làm phim thuyết phục, nể tình anh chị em lâu năm, quý mến mà tôi nhận lời. Nhưng nói thật, đi làm rất mệt, bởi sức khỏe tôi kém và mùa nắng nóng rất vất vả. Tuy nhiên, ngồi ở nhà mãi cũng chán, thi thoảng tôi có đi cà phê với bạn bè nhưng có phải đi được mãi đâu nên tôi đành đi làm. Con cái còn động viên: Thôi mẹ đi làm cho đỡ mệt. Ngược đời vậy nhưng mà đúng là thế đấy.
Mặc dù là diễn viên gạo cội nhưng những bài chia sẻ của chị với truyền thông cũng như tham dự họp báo phim rất ít. Lý do gì khiến chị lại “đóng cửa” truyền thông như vậy?
- Tôi là người của công chúng, được truyền thông săn đón là điều tốt. Nhưng thực ra có thời điểm tôi rất “lười” tiếp xúc báo chí vì bản tính của tôi ngại phiền phức. Cũng may thời của tôi “hữu xạ tự nhiên hương”, diễn viên không cần làm truyền thông để có chỗ đứng.
Đến giờ, tôi tự nhận thấy nếu “đóng cửa” truyền thông là rất “có lỗi”, vì các phim tôi tham gia cả ê-kíp đổ dồn tâm sức vào PR quảng cáo, còn mình là diễn viên mà thờ ơ là không được. Nên tôi quyết định “cởi mở” với truyền thông hơn cũng góp phần hỗ trợ ê-kíp quảng bá phim.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại “Nàng dâu order” đã đi đến những tập cuối nhưng không đạt được hiệu ứng tốt như những phim cùng đề tài gia đình. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi có xem “Về nhà đi con”, đánh giá công bằng thì thấy dàn diễn viên tốt, khỏe. Chuyện phim khá hấp dẫn. Vẫn gia đình đó, con người đó nhưng câu chuyện được phát triển ra nhiều nhánh nên người xem hứng thú, nhiều lúc còn chảy nước mắt. Với “Nàng dâu order”, cảm giác vẫn đang bị lặp lại, không bật được cái mới. Bao nhiêu tập cứ đều đều một kiểu, một mô-típ.
Tôi nhớ 1-2 câu thoại của Yến (Lan Phương đóng) nói rằng: Những bi kịch, mâu thuẫn đều do chuyện nhỏ mà ra. Nên có thể đấy là mục đích của biên kịch, đạo diễn rằng, câu chuyện đều đều, nhỏ nhỏ nhưng là nguồn cơn tạo ra sự bất đồng, bất hòa, không thấu hiểu, không sẻ chia.
Cùng khung giờ vàng của VTV nên không tránh khỏi “Nàng dâu order” bị đem ra so sánh. Là diễn viên của phim, chị có chạnh lòng không?
- Mỗi phim có một dạng riêng nên vẫn còn khá nhiều tập để chứng minh cho khán giả thấy. Tất nhiên “Về nhà đi con” đang gây sốt nên sự so sánh là không tránh khỏi và sự chênh lệch càng được chỉ ra rõ hơn. Biết đâu “Nàng dâu order” phát sóng vào một thời điểm khác mà không phải cùng “Về nhà đi con” thì lại hot như những phim khác của giờ vàng VTV (cười).
Cuộc đời như bậc tam cấp
Là diễn viên gạo cội, trải qua nhiều thời kỳ của điện ảnh Việt, chị nhận thấy điện ảnh đã thay đổi như nào?
- Đã khá lâu không làm phim nhựa nên tôi không dám đánh giá nhưng phim truyền hình thì tiến bộ lắm. Điều dễ nhìn thấy nhất là phương tiện, công nghệ, máy móc hiện đại, thu tiếng trực tiếp chứ đâu còn lồng tiếng như xưa.
Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng đó là kéo theo sự phát triển đó, cách làm việc của ê-kíp cũng nhịp nhàng, chuyên nghiệp và ấm áp. Ví dụ ngày trước đi đóng phim, ốm chẳng ai biết, què chẳng ai hay cảm giác tủi tủi đúng kiểu đi làm thuê.
Nhưng bây giờ diễn viên đến đoàn cảm giác được chiều chuộng, nâng niu. Đơn giản: Thay vì quần áo tự chuẩn bị là lượt thì giờ có bộ phận phục trang lo hết. Sau khi hết vai được đạo diễn tặng bó hoa cảm ơn, dù hành động nhỏ nhưng thể hiện sự trân trọng, quý mến dù người nổi tiếng hay không, dù vai lớn hay bé. Đó là liều thuốc tinh thần cho diễn viên.
Đó cũng là một sự thay đổi tích cực của điện ảnh, bên cạnh đó, như chị mới chia sẻ rằng may mắn thời của chị không phải làm truyền thông để có chỗ đứng. Vậy dưới góc độ người đi trước, chị thấy nghệ sĩ hiện nay làm điều này thế nào?
- Hiện tại có biết bao nhiêu loại hình nghệ thuật, bao nhiêu diễn viên, nghệ sĩ … nên sự đào thải rất nhanh. Nếu không trau dồi mình, tạo hiệu ứng thì khán giả sẽ quên ngay.
Mỗi thời mỗi khác. Thời của tôi thì làm xong nhiệm vụ là thôi. Cùng lắm là diễn viên đi cùng đoàn mang sản phẩm đến vùng sâu vùng xa hay các cơ quan để chiếu phục vụ khán giả. Nhưng nghệ sĩ trẻ bây giờ đâu thể buông lơi được như thế được, gần như tự thân vận động. Đường đi còn rất dài nên cần có dấu ấn để khán giả nhớ đến “vua biết mặt, chúa biết tên”.
Ngay như tôi, cứ nói khán giả nhớ chứ chắc vài năm nữa ra đường chả ai biết. Cũng may tôi không ở cái thời diễn viên cần làm truyền thông để có chỗ đứng.
Đồng ý là nghệ sĩ phải làm truyền thông để có chỗ đứng nhưng nhiều người “lạm dụng” để chiêu trò, scandal. Chị nghĩ sao về bộ phận nghệ sĩ này?
- Thực ra ngoài cảm giác trách tôi thấy thương cảm. Con người ta đôi khi bị ảo vọng, hào nhoáng, u mê nhất thời mà tự mua dây buộc mình. Người nghệ sĩ nên ghi dấu ấn cho khán giả bằng vai diễn, bằng những cống hiến chứ không phải bằng hình ảnh phù hoa, hay lối sống hào nhoáng.
Tất nhiên có những nghệ sĩ may mắn sớm được khán giả chú ý, có nghệ sĩ danh tiếng lại đến muộn hơn. Nhưng cuộc đời như bậc tam cấp: Nay mệt thì bước nửa bậc, mai khỏe bước bù 2-3 bậc. Cần phải biết bằng lòng, đừng mù quáng.
Gần 50 năm cống hiến với nghệ thuật, cái tên Thanh Quý ghi dấu ấn trong lòng khán giả nhưng vẫn là những vai nhà giàu, ghê gớm. Đối với một diễn viên thì “ổn định” như thế là điều không nên sao?
- Với những diễn viên thời của tôi thì hầu hết đều có chất vai dấu ấn, đóng đinh như thế. Thực ra tôi gặp ngoài đời nhiều hình ảnh những người phụ nữ vĩ đại lắm, họ thức khuya dậy sớm, vật vã mưu sinh... Tôi muốn được đóng những vai đó để chia sẻ với chị em phụ nữ Việt - chịu thương chịu khó, nhưng chắc chẳng có cơ hội. Bệnh tật thì có nhưng mặt mũi cứ béo tốt thế này thì toàn đóng vai “ăn trên ngồi trốc”, đanh đá, sành sỏi thôi (cười).
Cảm ơn chia sẻ của diễn viên Thanh Quý!
Ngọc Mai (thực hiện)