Diễn viên Thu Huyền hé lộ 13 cảnh toàn khóc các tập cuối 'Phố trong làng'

'Diễn xuất của diễn viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tâm lý của họ tại thời điểm diễn, cảm nhận như nào là của khán giả', diễn viên Thu Huyền chia sẻ.

Diễn viên Thu Huyền là gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Hà Nội. Hiện chị đang làm Phó trưởng đoàn 2, Nhà hát Kịch Hà Nội. Chị được nhớ mặt gọi tên khi tham gia nhiều bộ phim hài Tết nổi tiếng như Đại gia chân đất, Làng ế vợ. Ngoài ra, những bộ phim nổi tiếng trên truyền hình như Phụ nữ là số 1, Những công dân tập thể, Những người nhiều chuyện, Những cô gái trong thành phố... cũng đều ghi dấu diễn xuất ấn tượng của Thu Huyền.

Thu Huyền với vai Mây "Phố trong trong làng".

Thu Huyền với vai Mây "Phố trong trong làng".

Mới đây, Thu Huyền vào vai Mây – bà chủ quán Mây chiều trong phim Phố trong làng. Vẫn với nét diễn đanh đá, chua chat chị gây ấn tượng với cách diễn chân thật, sinh động của mình.

Càng về những tập cuối, diễn xuất của Thu Huyền càng gây ấn tượng với khán giả khi cô và con gái là Ngọc gạt bỏ những hiểu lầm, tha thứ cho nhau và Ngọc đã đưa mẹ đến một nơi xa để chữa bệnh. Có những đoạn diễn của Thu Huyền khiến khán giả bật khóc.

Chia sẻ về vai diễn Mây, diễn viên Thu Huyền cho hay: “Tôi may mắn được chọn vào vai Mây phim Phố trong làng – một vai diễn không khác quá nhiều so với nhân vật mình hay đóng, nhưng tôi vẫn phải tìm tòi cách diễn mới để khán giả khỏi nhàm chán. Đây là một vai có số phận, không như những vai trước tôi làm. Tôi hay đóng những vai cá tính nhưng có những vai kết thúc không có đầu có đuôi nên nhiều khi tôi chưa hài lòng lắm. Với vai Mây, phản ứng của khán giả khá tốt, tôi được thỏa sức diễn, sáng tạo”.

Nói về vai diễn bà Mây phim Phố trong làng, Thu Huyền cho hay: “Khi tôi đi diễn các tỉnh, khan giả nhận ra tôi đóng vai bà Mây và hỏi, sao tự dưng phim lại dừng chiếu 1 thời gian thế? Có khán giả nhắn tin hỏi thăm về bộ phim.

Một hôm đi quay chương trình Làng vui ở Trà Cổ, cậu âm thanh làm chương trình có nói: Em thích vai bà Mây phim Phố trong làng lắm. Hôm nào em mà không xem kịp, phải về xem lại. Chị gả cho em con gái chị trong phim nhé. Nói chung, tôi thấy vui vì được đón nhận. Tôi cho rằng, đề tài về nông thôn thường đi vào lòng người, khán giả dễ tiếp nhận hơn.

Một số đồng nghiệp nói, phim Phố trong làng, họ khá thích vai diễn Mây, vì vai này có nhiều đất diễn, vai này khác hẳn các dạng vai tôi đã làm. Từ trước đến nay, mọi người vẫn quen tôi làm hài, những tiểu phẩm cười, khi đóng phim truyền hình cũng được khán giả yêu thì mình vui vì được đón nhận. Vừa rồi cuối năm, có bà chị họ bên chồng sang đưa đồ lễ tết thắp hương, xong việc, cứ nhìn tôi 15 phút, tôi mới hỏi: Chị nhìn gì em đấy? Thì chị ấy bảo: Nhìn Huyền thế này không ngờ lên hình lại ghê gớm, đanh đá thế. Xong chị ấy đạp vào vai tôi bảo: Diễn giỏi đấy, chị ngồi xem phim mắt chữ O miệng chữ A luôn. Được ghi nhận như thế là điều diễn viên nào cũng muốn” – Thu Huyền tâm sự.

Nói về những đoạn diễn tâm lý ở các tập cuối phim Phố trong làng, Thu Huyền cho hay: "Những đoạn diễn tâm lý này rất nặng, ngày quay hôm đó gồm 13 cảnh, toàn cảnh khóc của bà Mây và Ngọc. Chính đạo diễn nhìn còn lắc đầu, sợ không hoàn thành được hết các cảnh đó. Tôi nhớ, hôm đó đi quay từ sáng sớm, 6h sáng đã có mặt ở Đài để hóa trang, cả đoàn đến bối cảnh là 8giờ, bắt bầu làm việc luôn và đến gần 11giờ đêm thì xong các cảnh diễn.

Bà Mây từ những tập đầu đến những tập cuối là sự thay đổi tâm lý mạnh mẽ. Trong bà Mây có 2 con người khác nhau, với con gái là một người mẹ yêu con, đằm thắm, chịu đựng, thậm chí lụy tình nhưng với người khác, bà Mây là một người quyền lực, đanh thép. Để diễn được những tâm lý như vậy, tôi cũng phải có một nền tảng, trải nghiệm nhất định mới làm được như thế. Hôm quay những cảnh cuối, tôi khóc từ đầu đến cuối, đến nỗi hôm sau về sưng hết mắt. Đạo diễn chưa hô bắt đầu, nước mắt đã tuôn ra, khi đạo diễn hô cắt, nước mắt vẫn chảy. Để nuôi tâm lý vào những bộ phim dài tập vậy không dễ, nhưng may là tôi nhận được sự đồng hành của đại diễn Mai Hiền, anh ấy hiểu tâm lý của diễn viên, đã động viên cho chúng tôi cống hiến, sáng tạo hết mình,

May mắn là hôm đó, hơn 10 phân cảnh nhưng cảnh nào cũng chỉ 1 đúp là ăn ngay. Quay xong, đạo diễn và ê kíp phấn khởi, vỗ tay rào rào động viên chúng tôi. Chắc là do tâm lý nên ai cũng muốn làm xong tốt nhất, làm phim là kết hợp các bộ phận mới tạo ra một kết quả thành công như mong muốn".

Nói về thông tin hai diễn viên chính phim Phố trong làng là Ngọc Anh và Anh Tuấn và bị nhiều người chê diễn nhạt, Thu Huyền cho hay: “Phải nói rằng, hai diễn viên Ngọc Anh và Anh Tuấn đều là tay ngang, dạng vai đó cũng không có nhiều đất để các bạn diễn cảm xúc. Vai chính diện thường là khó diễn hơn phản diện mà các bạn ấy còn trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm để diễn như khán giả mong muốn. Chắc phải mất thời gian, sau một quá trình thì các bạn ấy mới trưởng thành được”.

Khi được hỏi: Có ý kiến cho rằng, Thu Huyền diễn tốt quá nên làm Ngọc Anh “lu mờ”, chị nghĩ sao? Bà Mây cho hay: “Sự so sánh sáng tạo của diễn viên này với diễn viên kia là sự đánh giả riêng của khán giả. Diễn xuất của diễn viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tâm lý của họ tại thời điểm diễn. Những diễn viên đi trước bao giờ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn, để làm một vai có tâm lý đa chiều như bà Mây, cần một diễn viên có sự trải nghiệm nhất định, có tuổi đời chín chắn.

Với Ngọc Anh, tâm lý nhân vật khác hẳn bà Mây, tuổi trẻ có cách diễn khác, nên bạn ấy cũng có cách thể hiện tâm lý khác nhau. Người diễn viên làm tròn vai là người lột tả chính xác tâm lý nhân vật tại thời điểm đó. Với vai Mây, tôi đã “tròn vai”, lột tả đúng tâm lý cảm xúc nhân vật. Lâu rồi mới trở lại với phim truyền hình dài tập, tôi thấy mình đã làm hết sức mình. Còn việc cảm nhận mình diễn có hay hay không tùy thuộc vào khán giả. Vì nghệ thuật là vô cùng, với người này là hay nhưng với người khác thì chưa. Hơn ai hết, chúng tôi luôn mong khán giả luôn yêu thương, đồng hành và trân trọng những sáng tạo của diễn viên".

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/thu-huyen-noi-ve-hai-vai-dien-bi-che-nhat-trong-pho-trong-lang-816228.html