Diễn viên Thu Quỳnh: Không có vai diễn nhỏ, chỉ sợ người diễn viên nhỏ bé
Thu Quỳnh được khán giả nhớ tới qua hàng loạt vai diễn trong các bộ phim truyền hình như 'Sống chung với mẹ chồng'; 'Ngược chiều nước mắt'; 'Quỳnh búp bê'; 'Về nhà đi con'… Nhưng ít ai biết, để có được những vai diễn sinh động trên truyền hình, cô đã chấp nhận đi chậm hơn bạn bè cùng trang lứa, học hỏi kỹ năng diễn xuất từ cái gốc là sân khấu.
Đối mặt với khủng hoảng
- PV: Lựa chọn sân khấu làm gốc trong hoạt động diễn xuất, Thu Quỳnh đã đến với bộ môn nghệ thuật này như thế nào?
- Diễn viên Thu Quỳnh: Tình yêu với sân khấu là một mạch ngầm chảy trong con người tôi. Bố mẹ tôi đều là các nghệ sĩ biểu diễn. Do vậy, môi trường tiếp xúc của tôi với sân khấu từ những ngày còn thơ bé. Tôi luôn cảm thấy thú vị với sân khấu với những niềm vui nho nhỏ của con trẻ. Và trong một lần giở lại cuốn sổ lưu bút hồi lớp 9, tôi đã đọc được lời chúc của một cô bạn rằng: “Chúc Quỳnh sẽ trở thành diễn viên như bạn mơ ước” thì tôi mới hiểu, hóa ra, bấy lâu nay, ước mơ làm diễn viên đã xuất hiện trong tôi từ lâu mà tôi không để ý tới. Vậy là tôi đăng ký thi tuyển vào lớp diễn viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và đã nỗ lực rất nhiều để thi đỗ vào trường.
- Sau 4 năm học tại ngôi trường đã đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước, Thu Quỳnh đã về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ. Thực tế công việc so với những điều chị mong muốn về sân khấu có khác xa nhau?
- Thời gian mới về Nhà hát Tuổi trẻ, tôi cũng giống như các diễn viên khác, có khoảng thời gian tập sự với những công việc đầu tiên như rót nước, pha trà, lau bảng, quét phòng hóa trang, làm phục trang rồi xem vở học hỏi các cô chú, anh chị diễn viên. Ngày ấy, được phân về Đoàn kịch 2, tôi còn có thời gian đi phát tờ rơi ở trước cửa sân khấu Thiền Quang. Và đây cũng là khoảng thời gian tôi rời xa vòng tay bao bọc của bố mẹ. Tuy nhiên, tôi là người may mắn khi khoảng thời gian đó không kéo dài. Tôi đã được nhận một số vai nhưng lại phải đối mặt với thực tế là sân khấu mà tôi tưởng tượng ra khác xa với thực tế. Lương cho diễn viên quá thấp. Vì là người mơ mộng nên tôi đã bị khủng hoảng. Hơn thế, môi trường trong trường học khác hoàn toàn với môi trường làm việc. Từ việc phải biết sống nhìn trước ngó sau, có cả sự ganh đua, tị nạnh, sự khắt khe khiến cho một đứa như tôi rơi vào bế tắc. Và tôi đã có ý định sẽ bỏ nghề...
- Điều gì đã “níu” Thu Quỳnh ở lại với nghề cho tới ngày hôm nay?
- Là sự khắt khe với chính mình. Trong lúc tưởng như có thể dứt áo ra đi thì những lời động viên, chia sẻ của thầy giáo chủ nhiệm lớp đại học đã khiến tôi bừng tỉnh. Tôi tự trách móc bản thân mình rằng: “Thế mà bảo yêu sân khấu lắm, mới gặp chút khó khăn đã nản”. Tôi tự dằn vặt và khắt khe với bản thân để nhận ra, cuộc sống nếu không có khó khăn, căng thẳng thì không phải là cuộc sống. Điều quan trọng là mình phải đối diện với nó và vượt qua. Khi đã vượt qua rồi có nghĩa mình đã trưởng thành. Và tôi quyết định ở lại, gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ đến ngày hôm nay.
- Nghề diễn có giúp ích nhiều cho Thu Quỳnh trong đời sống cá nhân?
- Phải nói là nghề diễn đã vực tôi dậy những lúc tưởng như bị nhấn chìm của đời sống hôn nhân. Sau khi sinh con, gia đình đổ vỡ là thời điểm tôi khó khăn nhất về kinh tế. Trước đó, tôi không mấy quan tâm mình có bao nhiều tiền. Nhưng lúc ấy, tôi phải gọi điện tới tất cả các mối quan hệ để liên hệ có được vai diễn, có được việc làm để có tiền nuôi con và cũng là cảm thấy mình được làm việc, còn có ích. Nhớ lại khoảng thời gian đó, nếu không có nghề diễn, chắc tôi đã đắm chìm trong buồn chán. Nghề đã giúp tôi lấy lại cân bằng và sống tích cực hơn. Hơn thế, tôi có được sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ để gắn bó với nghề. Đó là một hậu phương vững chắc, tràn đầy tình yêu thương. Dù lúc ấy, tôi vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua nhưng bố tôi đã nói rằng, tôi là người hạnh phúc vì biết mình thích gì, được làm việc mình thích và sống bằng việc mình thích.
Chấp nhận bước chậm và thành công muộn
- Theo Thu Quỳnh, nghề diễn có ma lực như thế nào?
- Nói thật là tôi bị “nghiện” cảm giác đứng trên sân khấu, nhận những tràng pháo tay không ngớt của khán giả sau khi vở diễn kết thúc. Đây là một cảm giác rất tuyệt vời, là phần thưởng xứng đáng dành cho diễn viên sau những ngày lăn lộn trên sàn diễn. Vì thế, tôi không thể xa rời nghề diễn và tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, tôi sẽ phát triển với nghề. Trước đây, tôi cũng nhận được một số lời mời làm việc tại Đài Truyền hình trong vai trò MC nhưng tôi đều từ chối. Vì tôi tiếc quãng thời gian thanh xuân mình đã cống hiến cho Nhà hát. Hơn thế, đây là nơi dạy tôi cách nghĩ, cách sống từ khủng hoảng đầu tiên đến với nghề. Tại đây, tôi được rèn giũa và có những thành quả nhất định. Được sống với niềm yêu thích và đam mê của mình, tôi cảm thấy mình mới thật hạnh phúc.
- Được biết, thời còn sinh viên, Thu Quỳnh đã tham gia đóng phim. Nhưng chính chị lại dừng công việc này lại để tập trung cho sân khấu. Chắc hẳn Thu Quỳnh cũng có những lý do riêng?
- Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được gọi đi làm phim từ sớm. Nhưng tự tôi thấy chán với chính bản thân tôi, vì chất lượng vai diễn không thực sự khiến tôi thấy hài lòng. Vì thế, tôi đã nghỉ 3 năm không đóng phim truyền hình, để tập trung trau dồi kỹ năng diễn xuất trên sân khấu. Tôi cho rằng, khi mình chọn lựa con đường chuyên nghiệp, làm nghề nghiêm túc, sự cống hiến là đương nhiên và tôi luôn coi đó là niềm vui để sáng tạo. Mỗi vai diễn, tôi lại được sống một cuộc đời khác, tôi lại được vẽ ra các nét khác nhau cho vai diễn của mình. Tôi coi sân khấu là cái gốc để phát triển và tôi chấp nhận đi chậm hơn các bạn cùng trang lứa để tập trung học hỏi và nâng cao trình độ diễn xuất. Bản thân tôi phải tự lựa chọn, một là nổi tiếng với phim hay là tập trung cho sân khấu để có cái gốc tốt.
- Và khi lựa chọn lấy sân khấu làm gốc, Thu Quỳnh đã thu được thành quả như kỳ vọng?
- Trước đây, tôi cư xử với phim và sân khấu như với một đứa con nuôi và con đẻ. Nhưng hiện nay, khi đã quay lại với phim truyền hình, tôi đã tạo cho nó sự công bằng. Tôi đã trau chuốt cho vai diễn trên phim của mình như tôi đã trau chuốt cho vai diễn trên sân khấu. Các vai diễn đều cần phải đào sâu suy nghĩ. Và tư duy làm nghề đã được chuyển từ sân khấu sang phim. Dù là vai phụ hay vai chính đều cần phân tích nhân vật và sáng tạo nhiều hơn. Nhờ đó, tôi đã có nhiều vai diễn màu sắc, biến hóa. Mỗi vai diễn đều cần sự đầu tư nhất định, như trong nghề chúng tôi vẫn thường nói với nhau: “Không có vai diễn nhỏ, chỉ sợ người diễn viên nhỏ bé”.
“Tôi bị “nghiện” cảm giác đứng trên sân khấu, nhận những tràng pháo tay không ngớt của khán giả sau khi vở diễn kết thúc. Đây là một cảm giác rất tuyệt vời, là phần thưởng xứng đáng dành cho diễn viên sau những ngày lăn lộn trên sàn diễn”.