Điệp khúc mùa xuân trong thơ Giang Nam
Nhà thơ Giang Nam có khá nhiều bài thơ hay về đề tài mùa xuân. Điệp khúc mùa xuân trong những sáng tác đó đã đem đến cho độc giả thêm góc nhìn về hành trình thơ ca của ông.
Quê hương, Hạnh phúc từ nay, Thành phố chưa dừng chân (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) là 3 tập thơ của nhà thơ Giang Nam được nhận Giải thưởng Nhà nước. Trong sự nghiệp sáng tác phong phú của mình, những tập thơ trên có thể xem là sự gói trọn những thành quả đã làm nên tên tuổi ông. Trong thơ ông, có rất nhiều bài viết về mùa xuân. Mùa xuân trong thơ ông không đơn thuần là mùa xuân của thiên nhiên, đó còn là mùa xuân của lòng người, mùa xuân mang tính biểu tượng. Cuối năm 1962, trong một chuyến vào Nam bộ, nhà thơ đã thể hiện tình cảm của mình với những người lính trẻ. Giữa khung cảnh đất trời đang bước vào xuân, ông đã có sự liên tưởng những người lính mới quen đó như chính là mùa xuân của đất nước: Qua Nam bộ giữa mùa xuân nắng ấm/Nhớ mãi những người lính trẻ mới quen/Họ như mùa xuân chín ngọt trên cành/Hoa nở đầu môi, sông cười trên mắt” (Hoa mùa xuân Nam bộ). . Hay trong những ngày đầu năm mới, nhà thơ đã gửi tặng món quà tinh thần của mình đến những người nghệ sĩ chiến trường: Mến tặng các đồng chí văn công/Đã đem mùa xuân về đẹp thêm cuộc sống/Giữa bom đạn, dầu sôi và lửa bỏng… (Bài thơ đầu năm).
Bước sang năm 1963, nhà thơ lại thể hiện niềm tin yêu, hy vọng tràn trề vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc. Niềm khấp khởi trong khí trời mùa xuân đã thôi thúc ông có những câu thơ đầy lạc quan: Tôi viết bài thơ mùa xuân 63/Bên miệng chiến hào thơm mùi đất mới/Tiếng đại bác một đồn xa vang dội/Không ngăn mùa xuân khoác áo đẹp trở về (Bài thơ mùa xuân 1963). Niềm hân hoan của nhà thơ trước những tín hiệu tích cực của cuộc kháng chiến như chất xúc tác cho những câu thơ sôi nổi. Dòng chảy cảm xúc tươi vui đó như ngày càng được đắp bồi. Trong khung cảnh mùa xuân năm Ất Tý 1965, nhà thơ đã viết nên những câu thơ in đậm niềm hứng khởi: Anh đã gặp xuân trong tiếng hát/Trên những nẻo đường kháng chiến vinh quang/Một đêm hành quân, một ngôi trường nhỏ/Bỗng thấy mình thêm rắn chắc, vững vàng” hay Ta lại đón xuân giữa lòng quê mẹ/Khi tâm hồn đã mang sẵn mùa xuân/Phải không em trên đường ta đi tới/Thêm một ngày là thêm một ngày xuân (Đón một mùa xuân).
Sau ngày giải phóng miền Nam, trong mùa xuân đầu tiên của đất nước thống nhất, nhà thơ Giang Nam đã không giấu niềm hạnh phúc vô bờ của mình - niềm hạnh phúc của một người chiến sĩ cách mạng đã trải qua và chứng kiến biết bao đau thương của dân tộc: Xin chào Tổ quốc vào xuân/Nỗi đau xưa với muôn phần vui nay/Bồi hồi tay lại cầm tay/Mừng nhau không rượu mà say say lòng (Mùa xuân ơi, rất tuyệt vời). Trong niềm vui sướng đó, tấm lòng nhà thơ lại hướng về Bác Hồ: Bác đi, nước chửa vuông tròn/Tấm lòng lãnh tụ, nỗi buồn miền Nam/Bây giờ một dải giang sơn/Có chúng con Bác ngủ ngon giấc nồng (Mùa xuân ơi, rất tuyệt vời)…
Nhà thơ Giang Nam từng chia sẻ rằng, ông làm thơ cũng là một cách để làm cách mạng với ý thức văn chương như một thứ vũ khí chiến đấu, một nhu cầu về tinh thần thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước. Những vần thơ xuân của nhà thơ cũng đã phần nào thể hiện được phong cách thơ của ông. Nội dung thơ thể hiện rõ thế mạnh về tính thời sự - chính trị. Điệp khúc thơ xuân của nhà thơ giàu tính tự sự, nhưng vẫn có sự kết hợp hài hòa tiếng nói trữ tình đằm thắm, giọng thơ thủ thỉ tâm tình, dễ đi vào lòng người.
GIANG ĐÌNH