'Điệp khúc' ngân hàng xin tăng vốn điều lệ vẫn chưa dứt

Lãnh đạo ngân hàng BIDV, Agribank đều cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức bức thiết, nhất là với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước...

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022.

Nhiều năm trước, cứ mỗi lần hội nghị ngành ngân hàng tổ chức, “điệp khúc” xin tăng vốn điều lệ lại được nhóm Big 4 cất lên.

Đến năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhóm ngân hàng thương mại này tăng vốn điều lệ thành công. Trong đó, Agribank được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; còn VietinBank, Vietcombank, BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao.

Với diễn biến như vậy, tưởng rằng “điệp khúc” trên sẽ dứt, tuy nhiên nó vẫn được vang lên trong kỳ hội nghị lần này và được lý giải bằng nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cụ thể, chia sẻ tại hội nghị năm nay, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức cần thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Agribank trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Quốc hội kỳ này về việc tăng vốn cho Agribank. Kính đề nghị ngoài lợi nhuận để lại cần dành Ngân sách Nhà nước để sớm tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa dự kiến là 31/12/2022 sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa”, ông Ấn nói.

Bên cạnh đó là về tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR), theo ông Ấn, hiện nay Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ LDR giảm từ 90% xuống còn 85% thì với quy mô huy động vốn của Agribank hiện nay, phải duy trì trên 230 ngàn tỷ không được cho vay. Trong khi đó, do đặc thù nguồn vốn của Agribank chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn của dân cư huy động với lãi suất cao, chiếm 82% tổng nguồn vốn, đối tượng cho vay ưu tiên lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank lớn.

“Vì vậy, kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng tỷ lệ này cho các ngân hàng thương mại lên 90% thì Agribank sẽ có thêm khoảng 80.000 tỷ đồng để cho vay và có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch Agribank nói.

Thậm chí, một ngân hàng vừa được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu và đang dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ như BIDV cũng mong muốn tăng thêm.

Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Để giải thích cho nhận định trên, ông Tú viện dẫn số liệu của World Bank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021. CAR 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn thấp hơn chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng thương mại đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank – hiện đang áp dụng Thông tư 22.

“Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…”, ông Phan Đức Tú nói.

Ghi nhận ý kiến của hai ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Văn phòng Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, giao các đơn vị chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xử lý.

Vũ Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/diep-khuc-ngan-hang-xin-tang-von-dieu-le-van-chua-dut.htm